Rõ lợi ích
Năm 2016, sản phẩm chuối của xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận nhãn hiệu “Chuối Vân Nam - Phúc Thọ”. Nhờ vậy, giá bán đã tăng gấp đôi và được nhiều DN, siêu thị đặt mua. Hiện tại, giá trị sản xuất của cây chuối toàn xã đạt trung bình 27 - 30 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, mới đây, các chuyên gia Nhật Bản đã sang khảo sát và dự kiến sẽ hỗ trợ nông dân nơi đây trồng chuối xuất khẩu. Tương tự, sản phẩm “Gà đồi Ba Vì” cũng đang có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị tại Hà Nội. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ: “Nhờ có nhãn hiệu, tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ mà giá bán của sản phẩm gà đồi Ba Vì luôn ổn định và cao hơn 10% so với 4 năm trước đây khi chưa có nhãn hiệu”.
Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu không thể tách rời việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, giải pháp căn cơ vẫn là tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn gắn với sơ chế, chế biến. Đồng thời, đưa công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong kết nối sản xuất tiêu thụ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ |
Thực tế cho thấy, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản mang đến nhiều lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, TP mới có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước bảo hộ. Hà Nội có nhiều nông sản, đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Hà Nội mất đi sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.
Đề cao vai trò doanh nghiệp nông nghiệp
Để đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô, cần phải có chiến lược phát triển bài bản. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, đây không phải là việc riêng của từng DN, địa phương mà phải trở thành chiến lược phát triển chung của TP nhằm nâng cao giá trị và vị thế cho nông sản. Trong đó, cần đề cao vai trò của DN trong việc tập trung nguồn vốn, đầu tư công nghệ. Do đó, TP đã và đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Hiện nay, một số địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, cùng với đó là hỗ trợ nhãn hiệu, kinh phí quảng bá, xúc tiến thương mại.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với những sản phẩm đã có nhãn hiệu, Sở sẽ lồng ghép kinh phí vào các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với đó, Sở xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cho việc phát triển tài sản trí tuệ đối với những sản phẩm đặc sản chiến lược. Trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư.