Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO và nguy cơ “trắng tay” tại Afghanistan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay, những vụ tấn công nhằm vào các lực lượng NATO tại Afghanistan đã diễn ra với mật độ và quy mô ngày càng tăng đã đe dọa việc thực thi kế hoạch rút quân của liên quân khỏi chiến trường này.

Ngày 21/8, việc phiến quân bắn hai quả rocket làm hỏng máy bay của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey hiện đang ở thăm Afghanistan, một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liều lĩnh của lực lượng Taliban. Tính từ tháng 1/2012 đến nay, 24 vụ tấn công nhằm vào quân đội nước ngoài đã xảy ra khiến hơn 40 binh lính thuộc NATO bị giết hại, trong đó có cả những vụ tấn công do binh sĩ Afghanistan thực hiện. Các vụ việc này đã làm xói mòn lòng tin giữa Afghanistan và các đồng minh NATO, cũng như “làm đau đầu” những nước phương Tây đang có kế hoạch rút hầu hết quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.

Mối quan hệ chiến lược giữa NATO – Afghanistan vốn không êm đẹp đã trở nên căng thẳng và phức tạp hơn sau một loạt các sự cố như binh sĩ Mỹ đốt kinh Koran và vụ xả súng làm 16 dân thường nước này thiệt mạng hồi tháng 3 vừa qua. Ngay lập tức, lực lượng Taliban đã tuyên bố rút khỏi tiến trình đàm phán với chính quyền và một tháng sau đó đã phát động làn sóng tấn công khủng bố "chiến dịch mùa Xuân" nhằm vào quân đội của Chính phủ cũng như các lực lượng NATO. Các vụ tấn công đã gây thiệt hại lớn cho liên quân và buộc NATO phải ban bố lệnh vũ trang 24/24 để đối phó.
 
NATO và nguy cơ “trắng tay” tại Afghanistan - Ảnh 1
 
NATO buộc phải ban bố lệnh vũ trang 24/24 giờ để đối phó với Taliban.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan Gunter Katz khẳng định, đây chỉ là mảng tối trong mối quan hệ hợp tác “tốt đẹp” giữa quân đội NATO và lực lượng an ninh Afghanistan. Trong khi, Đại sứ dân sự NATO Simon Gass hôm 20/8 đã khẳng định: Afghanistan sẽ không rơi vào nội chiến và cũng không quay trở lại sự thống trị của Taliban sau khi quân đội NATO rút quân khỏi đây trong 2 năm tới. Đây được xem là một lời trấn an đối với người dân Afghanistan cũng như lực lượng NATO trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng tại nước này trong những tuần gần đây.
 
Theo ông Simon Gass, Taliban có thể tiến hành các vụ tấn công gây mất ổn định đất nước nhưng không thể “đè bẹp” được lực lượng Afghanistan trong cuộc đối đầu trực tiếp vì quân đội Chính phủ vẫn mạnh hơn so với phiến quân. Đặc biệt, các nước khác trong khu vực sẽ không để Afghanistan quay trở lại thời kỳ đen tối của những năm 1990. Điều này phản ánh một thực tế là nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, Taliban sẽ dần giành được quyền kiểm soát Afghanistan và làm bàn đạp cho kế hoạch độc chiếm lại Nam Á, Trung Đông. Khi đó, tiền của và công sức mà các nước thuộc liên quân đã đổ vào chiến trường này sẽ trở nên vô ích và một lần nữa, NATO lại phải nếm trải cảm giác “trắng tay”, giống như những gì đã và đang diễn ra tại Iraq.