Sáng 7/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí trên địa bàn TP Hà Nội” phục vụ cho Dự thảo Luật Phí và Lệ phí sắp được trình Quốc hội. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, nên chuyển một số loại phí, lệ phí hiện hành sang cơ chế giá dịch vụ có sự quản lý của Nhà nước.
Thống kê của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn đang quản lý thu 125 loại phí, 55 loại lệ phí. Trong đó, thẩm quyền quy định của T.Ư có 103 khoản phí, 39 lệ phí; thẩm quyền quy định của HĐND TP có 22 khoản phí, 16 khoản lệ phí. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Thái Dũng Tiến, về cơ bản, những khoản phí và lệ phí này phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 73 loại phí và 42 loại đúng trong thời kỳ đầu thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, cơ bản đều do Nhà nước cung cấp. Nhưng qua 13 năm, nhiều khoản đã lạc hậu khi có nhiều thành phần kinh tế tham gia. Cục Thuế đề xuất những trường hợp phí dịch vụ do DN, cá nhân đầu tư (phí ngoài ngân sách) nên chuyển sang giá dịch vụ đưa vào danh mục Nhà nước quản lý giá để khuyến khích xã hội hóa như phí vệ sinh, phí chợ, phí trông giữ xe, phí đò...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Quý Tiên cũng cho rằng: Khái niệm về phí, lệ phí chưa rõ ràng, do vậy nhiều loại mang tính chất giá dịch vụ lại đưa vào phí như phí vệ sinh môi trường, chợ, đò, thừa phát lại... Dự thảo Luật phí và lệ phí cần phải làm rõ khái niệm để loại ra những nội dung mang tính chất giá dịch vụ, đảm bảo hạch toán thu chi và làm Luật này phải gắn với Luật Ngân sách Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, ngay khoản lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy, hiện hành thu như thuế, thậm chí là như thuế tiêu thụ đặc biệt, khi định tỷ lệ % giá trị tài sản giống thuế, trong khi lệ phí trước bạ đúng ra chỉ là phí ghi sổ. Do đó, đồng tình là lệ phí trước bạ là nằm trong danh mục lệ phí, nhưng cách hành thu, mức thu như thế nào thì cần cân nhắc.
Lấy dẫn chứng từ địa phương, đại diện UBND huyện Thường Tín cho rằng, so với đời sống dân cư, số lượng phí, lệ phí quá nhiều. Vì vậy cần lưu ý đến những khoản như phí đường bộ thu qua ô tô, xe máy, rất khó thực hiện vì không định mức, không sát thực tế. Nên trên phương diện chính sách, những khoản phí, lệ phí gì thấy cần thiết thì mới nên thu.
Một số khoản lệ phí cũng được các cử tri đề nghị cần bãi bỏ để cải cách TTHC như: một số dịch vụ công do cùng một cơ quan cung cấp, nhưng quy định thu 2 khoản (phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép) dẫn đến tăng thủ tục, tăng chi phí thu nộp cho cả cơ quan thu và người nộp. Do đó, cần rà soát gộp các khoản phí, lệ phí này thành 1 khoản thu (phí thẩm định cấp giấy phép).
Tại cuộc tiếp xúc, phần lớn ý kiến cho rằng, toàn bộ phí, lệ phí sau khi thu cần nộp ngân sách 100%, để tạo được sự bình đẳng chung cho các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc để lại một phần phí thu được cho các đơn vị thu như hiện nay dẫn đến số thu về phí không được phản ánh vào ngân sách, và dẫn đến tình trạng đơn vị nhiều nguồn thu thì được giữ lại nhiều, đơn vị không nhiều nguồn thì khó khăn trong chi.
Kinhtedothi - Một điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải |