Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có cơ quan độc lập kiểm định giá đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 6/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, vấn đề thu hồi đất, phương thức xác định giá đất, quyền sở hữu đất đai… được nhiều đại biểu cho ý kiến.

>>> Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về chính sách, pháp luật đất đai

Khẳng định quyền sở hữu toàn dân

Khẳng định đất đai là một vấn đề lớn, phức tạp, có tác động, ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, các ĐBQH đều đồng tình việc nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) nhận định, dự thảo luật chưa có cải cách, thoát khỏi tư duy cũ. Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng Luật chỉ quy định người đại diện, không có quy định quyền của "ông chủ". Điều đó dẫn đến việc người dân không có sở hữu mà chỉ là người sử dụng.

Qua đi giám sát, đa phần ý kiến từ các cấp chính quyền thống nhất theo cách thức Nhà nước thu hồi và đền bù. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng thỏa thuận ngầm, đó là mầm mống tham nhũng, khiếu kiện. Khi thống nhất về một cách thức thu hồi rồi, vấn đề còn lại là giá đền thế nào cho hợp lý khi giá đất sau thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đội lên. Nếu đất đó không sử dụng vào kinh doanh, bồi thường giống nhau bất kể thu hồi vào dự án nào, còn nếu đất thu hồi vào mục đích kinh doanh sẽ có thêm phần bồi thường chênh lệch, phần này nộp vào Nhà nước. Giá bồi thường phải do Nhà nước quy định, bám sát giá thị trường.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội)

ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) lại cho rằng: "Đây là hướng đến vấn đề sở hữu đất lâu dài. Còn thực tế, đất đai được giao cho dân sử dụng trong 50 năm, như vậy có thể nói người dân đã có toàn quyền sở hữu đất rồi".

Về giao đất, ĐB Đinh Xuân Thảo cho biết, nên giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn. "Luật quy định kỳ sử dụng đất là 10 năm, tầm nhìn 20 năm, tôi cho rằng nên kéo dài hơn vì quy định ngắn như vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào đất khá rủi ro". ĐB Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị, sửa đổi những quy định để ưu tiên cho người dân. Việc quy hoạch sử dụng đất nên tiến hành 5 năm/lần, không nên triển khai mỗi năm/lần để tiết kiệm chi phí. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất đối với cấp huyện phải công khai cho người dân tại tất cả các xã. Bởi, việc khiếu kiện đất đai bắt nguồn từ việc cung cấp thông tin chưa đủ. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân tổ chức trong thông tin về quy hoạch sử dụng đất.

Quy định cụ thể về “hậu” thu hồi đất

Nên có cơ quan độc lập kiểm định giá đất - Ảnh 1

Ảnh: Hùng Huy

Các ĐB nhấn mạnh, thực tế việc thu hồi đất trong những năm vừa qua rất tràn lan, dẫn đến tình trạng chính quyền cứ thiếu tiền là "bán đất". Rồi việc di dời người dân đến những địa điểm không được đảm bảo như nơi ở cũ. Nhiều dự án không thực hiện được cũng bởi "quy hoạch" thiếu thực tế, dẫn đến việc lợi dụng quy định này để thu hồi đất ồ ạt, rồi tiến hành xây sân golf, resot, trong khi nông dân không có đất để sản xuất. ĐB Chu Sơn Hà đề nghị: Cần phải có cơ chế cho người sử dụng tạm thời trong thời gian đất để lãng phí chưa thực hiện.

ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: "Việc thu hồi đất hiện nay được thực hiện thông qua các quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước, như vậy tôi cho chưa thật hợp lý vì thực chất hình thức này là cưỡng chế, dễ tạo ra sự bức xúc. Nên thực hiện trưng dụng, trưng mua đất thu hồi, chỉ tiến hành thu hồi bằng các quyết định của cơ quan chính quyền với các trường hợp vi phạm sử dụng đất".

Các ĐB đã nhất trí quy định áp dụng giá đất theo mục đích sử dụng của đất tại thời điểm thu hồi, có tính đến yếu tố đầu tư xây dựng từ trước. Nhà nước chủ động thu hồi đất hàng năm theo dự án, kế hoạch phê duyệt. Khi xây dựng mở rộng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thu hồi cả diện tích đất liền kề tạo nguồn lực đất đai đầu tư cho công trình.

 Về cơ chế thu hồi đất, các ĐB đề nghị, cần có chính sách đảm bảo việc sinh kế lâu dài của người dân có đất bị thu hồi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh: Vấn đề thu hồi đất nông nghiệp của nông dân làm dự án, như dự thảo nói chỉ đền bù bồi thường trên giá trị tài sản thu nhập hàng năm của họ. Nhưng, cơ chế giải quyết việc làm, đời sống của dân như thế nào mới là quan trọng. ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này hy vọng sẽ khắc phục được những bất cập trong thu hồi đất hiện nay, trong đó tái định cư cần được bố trí  bằng hoặc tốt hơn chỗ đất bị thu hồi.

Làm rõ thế nào là giá phù hợp thị trường

Việc bồi thường tái định cư khi thu hồi đất gây khiếu kiện nhiều là do mức bồi thường giá đất không phù hợp. Các ĐB đề nghị giá đất bồi thường khi thu hồi nên thông qua các tổ chức độc lập để khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người dân. ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cho rằng: Do Chính phủ quy định khung giá đất khi đền bù, nên cấp tỉnh, thành khó vượt khung, dẫn đến người dân không đồng tình, khó trong thực hiện dự án. Dự thảo Luật nên theo hướng Chính phủ giao cho cấp tỉnh, thành định giá đất và hàng năm HĐND điều chỉnh cho phù hợp. Ngay tại Hà Nội, khung giá đất cao nhất là 80 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch thực tế gấp hàng chục lần, như thế không thể đưa ra giao dịch phù hợp.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP. HCM), Luật quy định Nhà nước có quyền định giá đất, nhưng cơ sở nào, đất đai xem như hàng hoá đặc biệt, không tuân theo bất cứ quy luật gì về giá cả. Thực tiễn, những năm qua Nhà nước làm giá một kiểu, dân làm một kiểu và doanh nghiệp một kiểu nên dẫn đến tranh chấp thường xuyên. Khi doanh nghiệp muốn thu hồi đất nhanh, nâng giá đất lên. Rồi cùng một thửa đất, đủ loại giá áp dụng đền bù, nảy sinh tiêu cực. Đây là vấn đề cần xem xét kỹ. ĐB Nguyễn Văn Phụng (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đặt vấn đề, dự thảo Luật nói là giá đất phù hợp với giá thị trường là như thế nào? Do vậy cũng cần phải làm rõ, bởi giá thị trường ở từng nơi cũng có sự chênh lệch rất là cao. Cần có cơ quan kiểm định giá độc lập để dân đỡ thắc mắc.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội dành cả ngày 19/11 để thảo luận tại hội trường và truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước.

Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai

Thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, Nghị quyết 19-NQ/TW đã đưa ra 11 định hướng cơ bản về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, gồm: Quy hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất; Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất; Phát triển thị trường bất động sản; Chính sách tài chính về đất đai; Giá đất; Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; Thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; Nâng cao năng lực quản lý đất đai.

Quỳnh Hoa