Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên đổi mới cách dạy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dạy và học nghề phổ thông được thực hiện với mục tiêu bổ sung các kỹ năng thực...

Kinhtedothi - Việc dạy và học nghề phổ thông được thực hiện với mục tiêu bổ sung các kỹ năng thực tế cho học sinh (HS), bên cạnh học kiến thức văn hóa; đồng thời định hướng cho HS lựa chọn nghề phù hợp với khả năng, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy và học nghề hiện vẫn chỉ mang tính chất đối phó, hình thức.

Học để… kiếm điểm cộng

Trong khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT, HS bậc THCS bắt đầu học nghề từ cuối năm lớp 8, bậc THPT thì trong năm lớp 11. Và theo quy định, thí sinh trong diện có chứng chỉ học nghề loại giỏi được cộng thêm vào điểm thi tốt nghiệp 2 điểm, loại khá là 1,5 điểm, loại trung bình là 1 điểm. Song thực tế hiện nay đa phần HS không mặn mà với học nghề, mà chỉ quan tâm đến điểm cộng (được cho là "phao cứu sinh" trong thi chuyển cấp, hết cấp). Do đó, HS chỉ chọn học những môn dễ kiếm điểm chứ không chọn môn yêu thích hay sở trường.
Một buổi học làm hoa của học sinh trường THPT Kim Liên. Ảnh: Thành Đạt
Một buổi học làm hoa của học sinh trường THPT Kim Liên. Ảnh: Thành Đạt
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Lao động hướng nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện việc hướng nghiệp cho HS đang được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Đầu năm 2014, Bộ sẽ tập hợp ý kiến trong cả nước về công tác hướng nghiệp để nâng cao hiệu quả phân luồng sau phổ thông.

Quan tâm tới định hướng nghề

Trước thực trạng HS không coi trọng học nghề, bà Trương Thị Thủy - giáo viên Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 Hà Nội đã nghiên cứu và đưa ra "Quy trình tổ chức dạy học thực hành nghề theo quan điểm sư phạm tương tác ở các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp" áp dụng vào giảng dạy tại Trung tâm.

Theo bà Thủy, dạy học thực hành nghề ở các trung tâm còn nhiều bất cập, đa số HS học xong nghề đều không có kỹ năng, không vận dụng được kỹ năng vào thực tiễn. Nguyên nhân cơ bản do chưa có phương pháp, quy trình dạy nghề đúng đắn, giáo viên dạy học còn mang tính truyền nghề… "Để có thể đào tạo những người lao động theo yêu cầu của xã hội, vấn đề đào tạo thầy - thợ phải được quan tâm đúng mức, nhà trường phải được hoàn thiện về mọi mặt, trong đó chú ý đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, phải chú trọng, quan tâm đến định hướng nghề nghiệp cho HS để các em có thể lựa chọn nghề phù hợp với năng lực" - bà Thủy cho hay.

Đề tài dạy học thực hành nghề theo quan điểm sư phạm tương tác mà bà Thủy đưa ra "nhắm" tới 2 trong số 20 nghề: Điện dân dụng và làm hoa nghệ thuật; và đã được thực nghiệm với 188 HS khối 11 ở 4 trường THPT (Minh Khai, Xuân Đỉnh, Cầu Giấy, Yên Hòa) đang học nghề tại Trung tâm. Bước đầu, phương pháp mới này đã kích thích hứng thú học tập của HS, HS đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo. "Quy trình cũ là HS làm theo giáo viên, còn với mô hình mới này, người thầy đặt ra tình huống và HS tự tìm ra cách xử lý tình huống. Bằng những hành động của chính mình, HS đã tạo ra sản phẩm ban đầu (các kỹ năng lao động cơ bản, một số kỹ năng thực tế trong cuộc sống), đồng thời giúp HS điều chỉnh bản thân trong các hoạt động tập thể với sự hợp tác của giáo viên và HS" - bà Thủy chia sẻ…

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Hoài Vĩnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, việc dạy nghề gặp nhiều trở ngại do chương trình sách giáo khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị thiếu. "Quan điểm đổi mới cách thức dạy đã có từ lâu, nhưng triển khai như thế nào, vận dụng bài bản hơn vào dạy nghề vẫn chưa cụ thể. Đến nay đã có đề tài này làm cơ sở, đã nghiên cứu để giải quyết đổi mới phương pháp dạy nghề có tính hệ thống hơn. Đây cũng là một trong những tiền đề đổi mới căn bản, toàn diện trong lĩnh vực dạy nghề" - ông Vĩnh khẳng định.