Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên giải quyết nợ xấu bằng công cụ thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, khó khăn của các doanh nghiệp (DN) là nguyên nhân không nhỏ kéo nợ xấu ở nhiều ngân hàng (NH) tăng cao. Trong rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, giải pháp thuế được nhiều DN mong đợi.

Mục tiêu của chính sách giãn thuế thu nhập DN nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và thúc đẩy sức mua hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều DN tại Hà Nội cho thấy, có rất ít DN đáp ứng được các tiêu chí theo quy định.

Thực tế những DN có từ 100 đến dưới 200 lao động với mức doanh thu 20 tỷ đồng trong hoàn cảnh hiện nay thường không thể có lợi nhuận để được hưởng chính sách gia hạn thuế TNDN. Phía Cục thuế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận trên địa bàn hai TP, số DN đáp ứng được để hưởng chính sách ưu đãi gia hạn thuế TNDN của Chính phủ không nhiều. Mặc dù trước đó, Viện chính sách đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Nhà nước đã có nhiều gói giải pháp hỗ trợ  hấp dẫn nhưng điều DN quan tâm hơn là các gói giải pháp này có được như mong muốn của Chính phủ và mong đợi của các DN? Vì vậy, bên cạnh có giải pháp tốt, các DN mong muốn Nhà nước có những biện pháp triển khai hiệu quả để DN tiếp cận được với sự hỗ trợ của Nhà nước. Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT và Thuế TNDN thời gian qua được đề nghị giảm thuế GTGT với 3 mức thuế hiện hành là 0%, 5%, 10% sẽ điều chỉnh xuống hai mức 5% và 0%; đồng thời thuế TNDN hiện nay 25% sẽ giảm xuống 23%. Theo các DN, lúc này mới là thời gian sản xuất kinh doanh cần giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng, nếu chờ đến giữa năm 2014 mới được hưởng mức thuế suất GTGT ở mức 0% và 5%; thuế TNDN giảm còn 23% là quá lâu. 

Theo Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh, việc giảm bao nhiêu thuế TNDN không quan trọng bằng giảm và giãn thuế VAT, vì đây mới là cơ sở để đẩy sức mua, tác động tích cực trở lại đến sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm phân tích: "Trên thế giới, nhiều nước khuyến khích tiêu dùng rất mạnh, nên xu hướng người ta là giảm thuế VAT. Các khoản nợ xấu của DN hầu hết đều nằm ở vấn đề hàng tồn kho không tiêu thụ được. Việc miễn, giảm thuế VAT sẽ giúp DN giảm giá thành sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu.