Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền móng cho phát triển đô thị hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, đó là nhận xét chung khi Long Biên mới thành lập (năm 2003).

Tuy nhiên, sau 10 năm, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân quận Long Biên đã tạo nên những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Dấu ấn quận mới sau 10 năm thành lập

Trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn, thời gian đầu khi mới thành lập, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, Long Biên cũng xác định chủ trương phát triển đô thị nhanh và bền vững. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được thực hiện quyết liệt, với quyết tâm cao; lựa chọn đúng các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận được cụ thể hóa qua các chương trình, đề án, kế hoạch; phân công, phân cấp cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.

 
Đường Ngô Gia Tự đã khang trang hơn sau khi được đầu tư mở rộng kết hợp với chỉnh trang hai bên. Ảnh: Thế Dương
Đường Ngô Gia Tự đã khang trang hơn sau khi được đầu tư mở rộng kết hợp với chỉnh trang hai bên. Ảnh: Thế Dương
Từ những định hướng và sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, trong 10 năm, diện mạo quận mới Long Biên đã có những thay đổi căn bản. Nếu như năm 2004 cơ cấu kinh tế của quận phát triển theo hướng công nghiệp (70%) - dịch vụ (26,7%) - nông nghiệp (3,3%), sau 10 năm, dịch vụ & thương mại  đã chiếm 55,34% - công nghiệp 43,65% và nông nghiệp 1,01%; Số DN tăng từ 647 lên 3.274; Quận đã xây dựng mới và cải tạo 18 chợ, hình thành những trung tâm thương mại hiện đại: Savico Megamall, Vincom...; Chủ động triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề truyền thống Lệ Mật. Nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị sinh thái với những mô hình hiệu quả, góp phần đưa giá trị canh tác trên 1 ha tăng bình quân 10% năm. Những kết quả này đã góp phần giúp thu ngân sách của quận luôn đạt và vượt kế hoạch giao. Năm 2013, số thu trên địa bàn ước đạt 6.000 tỷ đồng tăng 22 lần so với năm 2004.Cùng với phát triển kinh tế, công tác quy hoạch cũng được quận Long Biên xác định là nhiệm quan trọng, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho công tác quản lý, triển khai các dự án đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa, giảm gánh nặng nguồn vốn từ ngân sách...

 

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 về sử dụng đất được TP phê duyệt năm 2006, Long Biên đã chủ động xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị, các phường và các khu chức năng; Lập và thẩm định 186 đồ án quy hoạch chi tiết. Đến nay, đã có 1.587 ha diện tích đất được quy hoạch tỷ lệ 1/500 và 66km đường được xác định chỉ giới và cắm mốc. Trong 10 năm, quận đã thực hiện 1.431 dự án với giá trị gần 4.000 tỷ đồng, trong đó 572 dự án hạ tầng kỹ thuật và 859 dự án hạ tầng xã hội. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị phát triển theo hướng ngày càng đồng bộ, từng bước văn minh - hiện đại; 14/14 phường trên địa bàn quận được sử dụng nước sạch, tỷ lệ chiếu sáng công cộng đạt 98%, việc thu gom, xử lý rác thải bước đầu đi vào nền nếp… Từ chỗ chỉ có 2 tuyến đường trục chính, đến nay, Long Biên đã có hệ thống giao thông đô thị khá hoàn chỉnh và hiện đại với các tuyến đường: Ngô Gia Tự, đường Long Biên I, Long Biên II, đường Thạch Bàn, đường 40m, đường 21m, đường 81m, đường 32m… Bên cạnh đó, các dự án lớn của T.Ư và TP trên địa bàn như: Cầu Vĩnh Tuy, Đông Trù, đường 5 kéo dài, đường Hà Nội - Hải Phòng,... đã góp phần tăng sự gắn kết giữa Long Biên với các quận nội thành và các địa phương khác, mở ra những tiềm năng kêu gọi đầu tư…

Cùng với các dự án đầu tư, công tác quản lý trật tự đô thị cũng được quận triển khai quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ góp phần không nhỏ nâng cao ý thức người dân. Trong 10 năm, toàn quận đã cấp 41.864 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 97,517 %; Tỷ lệ xây dựng có phép đạt 98,2%...

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội

Trong 10 năm, quy mô dân số quận Long Biên tăng hơn 10 vạn dân (từ hơn 170.000 người lên gần 272.000 người), tuy nhiên, không chỉ giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, đô thị mà công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng được quận quan tâm đầu tư, góp phần giảm đáng kể sức ép của quá trình đô thị hóa. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,8%, 10 năm qua cũng đã có hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm. Bên cạnh các công trình trường học, trạm y tế… được đầu tư khang trang, đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa từ quận đến các tổ dân phố, hệ thống hồ nước, cây xanh được xây mới, cải tạo, những công trình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cũng được đầu tư tu bổ, tôn tạo, gắn bảo tồn với phát triển văn hóa, du lịch góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Với những kết quả đã đạt được, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập quận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Long Biên vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.