Với góc độ của một giáo viên trực tiếp dạy môn Toán, ông Nguyễn Văn Đức - giáo viên trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) cho rằng, ưu điểm của thi trắc nghiệm là giảm thời gian thi từ 4 xuống 2 ngày, giảm gánh nặng thời gian làm bài từ 180 phút, xuống còn 90 phút. Với cách thi này, HS sẽ không còn học tủ, học lệch, song nhược điểm thì cũng không ít.
“Ưu điểm đầu tiên của thi trắc nghiệm là HS sẽ không học lệch. Ví dụ năm trước, giáo viên chủ yếu chỉ cho ôn 10 câu theo đề và một số bài trong chương trình. Câu nào không liên quan thì không ôn mà để HS tự xem bài. Nhưng phương án mới sẽ bắt HS phải thay đổi đột ngột, bởi thí sinh đang quen với cách làm bài tự luận, nay chuyển sang trắc nghiệm, sẽ khiến HS viết cẩu thả cả về tư duy lẫn cách trình bày bài. HS sẽ nháp nhiều, viết xấu... để làm sao nhanh chóng cho ra kết quả. Ngoài ra, thay đổi này cũng khiến HS chưa có sách ôn tập theo trắc nghiệm, dẫn đến khó khăn để ôn thi. Bên cạnh đó, đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT mới ra đề minh họa... sau đó các chuyên gia, nhà khoa học mới viết sách, nhanh thì đến tháng 1, chậm tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2017 mới có sách ôn tập, sẽ gây khó khăn cho cả thầy, trò trong dạy – học và ôn tập. Hiện nay, vấn đề băn khoăn nhất của giáo viên, HS là đề thi sẽ ra như thế nào? Theo tôi, việc Bộ GD&ĐT đã có dự thảo thì cũng nên sớm có quyết định chính thức sớm. Trước hết phải sớm ban hành thông tư, quy chế và hướng dẫn chi tiết về kỳ thi THPT quốc gia 2017; Phải hoàn thiện gấp ngân hàng đề thi cho tất cả các môn. Đặc biệt là sớm công bố đề thi minh họa, định dạng đề thi cho HS làm quen, thầy, cô giáo bám theo khung để định hướng, hướng dẫn học, ôn tập hiệu quả. Với các trường đại học cũng nên xây dựng phương án tuyển sinh sớm để HS lựa chọn ngành, nghề theo khả năng, sở trường của mình”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |