Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể nhấn mạnh việc coi trọng môn Lịch sử. Vấn đề hiện nay là đặt môn Lịch sử ở chỗ nào cho phù hợp với vai trò của nó?

Trả lời câu hỏi của phóng viên bên lề Hội thảo Chương trình GDPT tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực diễn ra sáng 5/11, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra những đề xuất cho môn học này.
GS Nguyễn Đình Cống - Trường Đại học Xây dựng: Phải viết lại sách giáo khoa
Nên thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử - Ảnh 1

Lịch sử là môn khoa học độc lập có nhiều tác dụng, bởi thế không nên tích hợp vào môn học khác, mà nó phải là môn học riêng. Chỉ có điều phải viết lại sách giáo khoa môn Lịch sử, bởi lâu nay vẫn duy trì cách viết cho những người nghiên cứu chứ không phải là người học - sách giáo khoa Lịch sử bắt người ta nhớ các sự kiện lịch sử một cách quá chính xác làm cho họ vất vả. Tôi đồng tình với việc cần phải có sự kiện lịch sử, nhưng chúng ta nắm bản chất chứ không phải quá chi tiết… để rồi biến Lịch sử thành môn “nhồi sọ”. Dẫn đến học sinh sẽ không thích học môn này nữa.
PGS.TS Trần Đức Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu: Vấn đề là tích hợp thế nào
Nên thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử - Ảnh 2Theo xu hướng chung, người ta có thể tích hợp Lịch sử và Địa lý tạo thành bộ môn Khoa học xã hội. Tuy nhiên, người ta phải có cách tích hợp để Lịch sử vẫn giữ được tính độc lập của nó. Ví dụ, môn Lịch sử được tích hợp vào môn Giáo dục công dân và Giáo dục công dân là môn bắt buộc. Còn ở ta, khi Lịch sử tích hợp vào bộ môn Khoa học xã hội thì vị thế của nó so với môn Công dân bị yếu đi, vì thế người ta mới lo lắng. Tôi cho rằng, chủ trương tích hợp là đúng, nhưng cách làm thế nào thì nên xem lại. Theo tôi, bây giờ ta có thể nên đi theo hướng của Mỹ là tích hợp Lịch sử trong môn Giáo dục công dân. Hai môn này kết hợp với nhau và phải có tính phân môn rõ ràng. Như thế chúng ta không đáng lo lắng vị thế Lịch sử sẽ bị giảm đi.
Nhưng hiện nay, 3 phân môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - an ninh hợp thành môn Công dân với Tổ quốc. Chúng ta phải xem lại mức độ của Giáo dục quốc phòng - an ninh là một bộ phận của Giáo dục công dân chứ không phải là phân môn độc lập. Còn nếu chúng ta cho Giáo dục quốc phòng - an ninh là nội dung độc lập thì trở thành quá tải. Tôi thấy, vấn đề tích hợp thế nào và giải pháp ra sao thì dự thảo Chương trình GDPT tổng thể chưa nói rõ.
Bà Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng: Tự chọn là tương đối phù hợp
Nên thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử - Ảnh 3Nếu Lịch sử tích hợp với môn Ngữ văn hoặc Địa lý để dạy thì giảm tải được cho học sinh và các em nhớ lâu hơn. Lịch sử là môn tự chọn là tương đối phù hợp vì như thế sẽ dựa trên năng lực và sở thích của học sinh, để trong quá trình học có sự khám phá, tìm tòi, mang lại hiệu quả. Nhiều ý kiến lo lắng, những năm qua, Lịch sử không được học sinh chọn để thi, giờ lại nằm trong môn học khác thì học sinh sẽ không chịu học. Về việc này, tôi cho rằng, phải nhìn từ nhiều phía. Khi học sinh không chọn Lịch sử, các thầy cô dạy Lịch sử phải xem lại việc giảng dạy của mình, nhà trường xem lại cách thức tổ chức, sách giáo khoa có chỗ nào chưa kích thích được học sinh? Và cuối cùng muốn học sinh học tốt Lịch sử thì mục đích phải đạt được cái gì. Cho nên, với chương trình mới, nên thiết kế môn Lịch sử cho phép các em học sự kiện, phân tích và đánh giá sự kiện. Đôi khi, học sinh được đóng vai trò của nhà Lịch sử thì các em rất thích. Học Lịch sử phải thông qua những video clip, phim, học tại chính nơi xảy ra sự kiện lịch sử đó… thì học sinh sẽ thích học môn này hơn. Còn hiện nay, Lịch sử đang được dạy chay, may ra ở TP có máy chiếu, còn nông thôn chỉ có sách giáo khoa và bản đồ.
PGS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT: Nếu ý kiến hợp lý thì sẽ tách riêng
Nên thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử - Ảnh 4Chương trình cấp THPT vẫn dành 1 tiết/tuần cho môn Lịch sử. Như vậy, một năm học có 35 tuần là 35 tiết Lịch sử, 3 năm THPT có 105 tiết Lịch sử. Trong dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, vị trí môn Lịch sử vẫn giữ vững, không có gì thay đổi. Thậm chí, HS phải học Lịch sử nhiều hơn, bởi ngoài nội dung bắt buộc của Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc, vào cấp THPT các em học phân hóa. Khi đó, các em đi theo hướng khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, công nghệ phải học môn Khoa học xã hội trong đó có Lịch sử. HS nào chọn chuyên ngành Khoa học xã hội, đặc biệt là ngành Lịch sử, thì thời gian học môn học này sẽ nhiều hơn so với các ngành học khác.
Hiện chỉ có điều băn khoăn là môn Lịch sử ghép vào môn Công dân với Tổ quốc có hợp lý không, thì cần phải trao đổi tiếp. Nếu đặt Lịch sử riêng ra, sẽ có một số nội dung trùng với Giáo dục quốc phòng - an ninh, Giáo dục công dân. Nếu Lịch sử đứng riêng, ngoài những nội dung Lịch sử phải làm, nó sẽ phải làm hộ nhiệm vụ tích hợp cho 2 bộ môn kia nữa