Phải có hướng dẫn cụ thể cho GV; nên thí điểm, tổng kết rồi hãy triển khai mở rộng... là đề xuất của hầu hết GV tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học cấp tiểu học do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Mất nhiều thời gian
Dự kiến năm học 2014 - 2015, Bộ GĐ&ĐT sẽ áp dụng rộng rãi việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học, theo đó sẽ thay chấm điểm thường xuyên bằng các nhận xét bằng lời của GV. Tuy nhiên, nhiều GV ở Hà Nội tỏ ra không hứng khởi với thay đổi này. Một GV dạy tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa cho rằng, đây là một chủ trương hay, buộc GV phải dạy thật, cẩn thận hơn. Tuy nhiên, mặt trái của việc không chấm điểm là không còn sức ép về điểm số, HS sẽ… mải chơi hơn. Trong khi đó, công việc của GV "nặng" hơn, và thay vì tìm phương pháp giảng dạy tốt hơn để đảm bảo chất lượng thì lại luẩn quẩn với việc ghi nhận xét HS hàng ngày, mất rất nhiều thời gian.
Khi được hỏi, đa số GV đều chung nhận định, việc nhận xét HS hàng ngày cũng gây ức chế cho GV bởi những yêu cầu rắc rối mà không để làm gì. "Yêu cầu phải nhận xét, nhưng nếu ghi theo kiểu "có tiến bộ", "rất tốt"... lại không được. Thay điểm số bằng dán hình mặt cười, bông hoa, các con rất thích nhưng cũng bị cấm. Ngày nào cũng phải ghi sổ, tôi thấy rất mệt mỏi. Hơn nữa, lớp có hơn 50 HS, ngày nào cũng nhận xét, biết nhận xét cái gì?" - một GV chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, đa số phụ huynh vẫn chỉ quan tâm đến điểm số, không quan tâm nhận xét của GV như thế nào. "Khó khăn đối với GV là làm sao để nhận xét phù hợp, không trùng lặp. HS lớp 1 không đọc và chưa hiểu được nhận xét của thày cô, nên không hứng thú như khi cho điểm. Trên địa bàn quận, hầu hết các lớp có sĩ số rất lớn nên việc nhận xét khiến GV mất nhiều thời gian" - bà Xuyến nhận định.
Rõ mức độ nhận xét
Hầu hết GV và các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể về cách nhận xét HS, không thể yêu cầu chung chung.
Cô Mai Thị Nguyệt - GV trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, nếu sĩ số mỗi lớp chỉ từ 20 - 25 HS thì GV có thể nhận xét, phân hóa chính xác, cụ thể, tỉ mỉ cho từng em. Hiện tại, mỗi lớp có từ 50 - 60 HS nên việc đánh giá khó có thể chính xác. Đồng tình với quan điểm này, một GV tiểu học cho rằng, nếu yêu cầu nhận xét kỹ sẽ là chuyện đau đầu với GV. Năm nào, tối thiểu một GV môn tiếng Anh cũng dạy từ 200 HS trở lên. Một tháng nhận xét một lần cũng là cả một vấn đề về thời gian thực hiện, chứ đừng nói nhận xét hàng ngày. Nhận xét hàng tuần cũng khó, vì sau một tuần với 2 - 3 tiết học, HS hầu như chưa có gì để tổng kết.
Trao đổi với phóng viên, hầu hết những GV tiểu học trực tiếp đứng lớp cho rằng, muốn GV nhận xét, cần phải nói rõ mức độ nhận xét như thế nào, nhận xét từng kỹ năng nghe - nói - đọc - viết hay nhận xét chung. Nếu chỉ nhận xét "đạt" hay "không đạt" thì quá đơn giản. Đa số đều kiến nghị Bộ GD&ĐT nên xem xét lại phương pháp và cần thí điểm, tổng kết rồi hãy triển khai mở rộng. Bộ nên đi kiểm tra thực tế để có những thay đổi, lựa chọn hợp lý.
Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, ngoài một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hiện tượng lớp học đông với sĩ số 50 - 60 HS, mà ngành giáo dục đã có hướng dẫn giải quyết, thì hầu hết các tỉnh, TP đều đảm bảo sĩ số lớp học không quá 38 HS/lớp. Cách đánh giá này tiến tới sự thay đổi, nhìn nhận mỗi HS là một cá thể riêng biệt mà GV phải làm việc riêng với từng cá tính, chứ không chấp nhận những "cá tính đồng loạt" trong một tập thể. "Một trong những nguyên tắc mà chúng tôi đặt ra là không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và phụ huynh. Khi tiến hành đánh giá, GV quan tâm tới tiến độ hoàn thành việc học, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành của mỗi HS. Công việc này ban đầu sẽ chưa quen, nhưng một trong những mục đích là giúp GV điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục" - ông Định nhấn mạnh.
Một buổi học tại trường Tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa. Ảnh: Duy Anh
|
Sáng 13/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 của bậc mầm non. Nhiệm vụ trọng tâm của bậc học này trong năm học mới là hoàn thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ ít nhất đạt 35%; mẫu giáo đạt 95%; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 7%... |