Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nếp sống văn hóa mới ở Gia Lâm

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, huyện Gia Lâm không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Làng văn hóa thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh
Năm 2020, Tổ dân phố (TDP) Kiên Thành, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có 12 người qua đời, tất cả đều được đưa đi hỏa táng. Bà Đỗ Thị Trà - Bí thư Chi bộ TDP Kiên Thành cho biết, trước đây việc vận động hỏa táng rất khó khăn nhưng khoảng 5 năm lại đây, tỷ lệ hỏa táng ở địa phương đạt cao, từ 95 – 100%. Có được kết quả như vậy là nhờ sự vận động, tuyên truyền, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ huyện, thị trấn tới TDP.

Mỗi năm, TDP Kiên Thành tổ chức họp 2 lần để tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách về xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở. Khi các gia đình không may có người qua đời, TDP đều tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Chính vì thế, không chỉ thực hiện hỏa táng với người quá cố, các gia đình còn tuân thủ các điều kiện khác như: Không để người quá cố ở nhà quá 36 tiếng; không tổ chức ăn uống; không hút thuốc, không chơi bài bạc; không loa đài, kèn trống về khuya…

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ cho biết, từ năm 2013, khi có chủ trương của UBND TP cũng như những chính sách hỗ trợ của các cấp đối với việc hỏa táng, thị trấn Trâu Quỳ là đơn vị đi đầu trong triển khai, có năm đạt 100%, có năm xấp xỉ 100%.

Không chỉ thực hiện tang văn minh, ở Gia Lâm, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được thể hiện đầy đủ trên nhiều khía cạnh, trong đó có công tác xây dựng nông thôn mới (NTM). Triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm đã nhất trí, đồng thuận, đóng góp công sức tham gia cùng chính quyền. Đặc biệt, sau khi các tuyến đường được nâng cấp, lãnh đạo địa phương đã vận động các gia đình đặt chậu hoa, cây cảnh trước cổng nhà, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp…

Xây dựng con người mới toàn diện

Theo Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong năm 2020, huyện Gia Lâm có 64.747/68.801 hộ đạt gia đình văn hóa (đạt 94,1%), vượt chỉ tiêu TP giao, trong đó 22/22 xã, thị trấn có tỷ lệ đạt gia đình văn hóa từ 90% trở lên. Toàn huyện có 16 xã giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM” và 2 thị trấn giữ vững danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. 82/97 cơ quan, đơn vị, DN đạt và giữ vững cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2020, toàn huyện có 1.443 cặp đăng ký kết hôn, đa số đều tổ chức lễ cưới theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Đối với việc tang cũng được tổ chức đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, nghĩa tình, hạn chế lãng phí, xóa dần những hủ tục còn tồn tại; tỷ lệ hỏa táng trên toàn huyện đạt 72,5%…

Bà Hương cũng cho biết, thực hiệp nếp sống văn minh đô thị, trong năm 2020, toàn huyện Gia Lâm đã xây dựng được 167 đoạn đường nở hoa, tổ chức cuộc thi xây dựng “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp trong khu dân cư”, xây dựng 24 đoạn đường bích họa và thực hiện 157 tủ điện bích họa tại các xã, thị trấn. Đặc biệt, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện với 2 mô hình cụ thể, gồm: Mô hình một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp và Mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp. Việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này sẽ góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, giữ gìn nét thanh lịch của người Hà Nội. Đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương…

Việc xây dựng đời sống văn hóa mới đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hoàn thiện các tiêu chí văn hóa – xã hội, đáp ứng các điều kiện đưa Gia Lâm sớm trở thành đơn vị cấp quận của Thủ đô.
Năm 2020, UBND huyện Gia Lâm cũng ban hành quyết định phê duyệt 91 hương ước, quy ước thôn, TDP thuộc 10 xã gắn với các nội dung trọng tâm như: Xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng NTM, vệ sinh môi trường và thực hiện quy chế dân chủ…