Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Nếu cán bộ công tâm, cấp dưới đưa tiền tỷ cũng không "chạy" được"

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Để cán bộ không chạy chức chạy quyền thì phải làm thế nào để người ta không “chạy” được. Vấn đề đó phụ thuộc hết vào người đứng đầu.

Đặt vấn đề vì sao có câu chuyện bổ nhiệm đúng quy trình mà nhiều người có tài, có đức lại không được bổ nhiệm, còn người thiếu đức, kém tài lại được ưu ái, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Mai Bộ từng nêu câu hỏi trên nghị trường Quốc hội: Có hay không tình trạng tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ công chức? Và ông cũng tự trả lời câu hỏi này rằng “không có lửa làm sao có khói”, cũng đúng như kết luận lâu nay lan truyền trong dư luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.
 Ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội
“Được bổ nhiệm nhưng có người còn không biết phát biểu gì”

Từng có ý kiến cho rằng tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ hay lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, chạy chức chạy quyền có thể nói là loại tham nhũng nguy hiểm nhất. Không nhằm để khẳng định cho quan điểm này nhưng việc Ban Tổ chức Trung ương đầu năm nay đưa ra lấy ý kiến đối với Dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực, nhằm ngăn chặn tình trạng “chạy chức, “chạy” quyền với mục tiêu hướng đến 4 không “không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy” không phải không có lý.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, vị đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, đầu tiên phải làm thế nào để người ta không chạy được. Vấn đề đó phụ thuộc hết vào người đứng đầu. Người đứng đầu đưa ra tiêu chí rồi giám sát và thực hiện bổ nhiệm theo các tiêu chí đó. Người đứng đầu gương mẫu, nghiêm túc thì cán bộ cấp dưới có đưa tiền tỷ cũng không thể “chạy” được. Mặt khác cần có sự kiểm soát với người đứng đầu, không để tình trạng người đứng đầu chấp nhận hối lộ sẽ tạo ra cuộc chạy đua của cán bộ cấp dưới. Thực tế không ít lãnh đạo trong bộ máy của Đảng, Nhà nước vẫn còn giữ được cái tâm trong sáng và không ít cán bộ có trình độ năng lực, khảng khái nhất quyết không chạy chọt.

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV, ông Nguyễn Mai Bộ từng nhấn mạnh rằng nếu không có giải pháp triệt để, tham nhũng quyền lực sẽ “đẻ” ra thế hệ tham nhũng tiếp theo. Khi có quyền người ta sẽ tính bài để thu lại và không cách nào khác là lại tham nhũng. Mấu chốt trong vấn đề này, theo ông Nguyễn Mai Bộ là do việc đánh giá cán bộ hiện nay còn nhiều bất cập, người không làm tốt cũng nhận hoàn thành nhiệm vụ, Nguồn gốc của bất cập này là những người có trách nhiệm đánh giá còn để tình cảm cá nhân lấn lướt, nhận xét theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. Đáng lẽ thẳng thừng ra, nếu đã trót bổ nhiệm nhưng nay qua quá trình làm việc thấy họ không đủ năng lực thì phải có ý kiến rõ ràng, nói rõ không có khả năng làm việc. Chứ nhiều người không có năng lực khi được bổ nhiệm vào vị trí này kia, đi họp không biết gì để phát biểu, chứ chưa nói đến những sáng kiến, mà vẫn hưởng phụ cấp, ô tô đưa đón, thực sự quá xót xa!
“Nhiều người không có năng lực khi được bổ nhiệm vào vị trí này kia, đi họp không biết gì để phát biểu, chứ chưa nói đến sáng kiến”
“Đáng tiếc, xét về đạo đức cán bộ, chưa ai coi đó là một dạng thiếu liêm sỉ, không làm được việc nhưng vẫn hưởng như những người làm được việc và vô hình chung tạo gánh nặng công việc cho các đồng nghiệp. Tôi chưa thấy có sự đột phá nào trong vấn đề liêm chính của cán bộ”, ông Bộ nêu quan điểm.
Vấn đề vẫn cứ phải là người đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của cơ quan không thẳng thắn chỉ ra thì không ai nói cả. Anh em đồng nghiệp nói không khéo bị ghét, bị nói là biết việc nên kiêu, có khi bị cô lập. Trách nhiệm của người đứng đầu là phải chỉ ra những yếu kém của cấp dưới, phải cho thôi việc những người không đủ năng lực.
“Phù phép” quy trình thành công cụ mưu lợi cá nhân

Khẳng định với việc Ban Tổ chức Trung ương đưa ra lấy ý kiến về dự thảo kiểm soát quyền lực, chống “chạy” chức, “chạy” quyền, Đảng, Nhà nước đều biết rõ có tình trạng này; nhưng điều mà ông Bộ quan tâm hơn là những giải pháp được đưa ra sẽ khắc phục tình trạng đó ra sao?
 
Theo vị Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, giải pháp nằm ở công tác tuyển chọn cán bộ, mấu chốt là phải làm thế nào để cán bộ không thể chạy chọt. Không để người ta sử dụng cụm từ “đúng quy trình” để ngụy biện cho những hành vi “phù phép” quy trình ấy trở thành công cụ để họ mưu lợi cá nhân.
Muốn vậy, về tiêu chuẩn cán bộ công chức, đặc biệt cán bộ có chức quyền phải được quy định rõ ràng. Nguồn cán bộ được đào tạo và thường xuyên đánh giá để kịp thời đưa ra khỏi nguồn những người không xứng đáng, không để những người xứng đáng hơn bị đẩy ra, còn người không xứng đáng cứ thế được cất nhắc bổ nhiệm.
“Chừng nào còn duy trì kiểu bổ nhiệm theo cách lấy phiếu, không thể tránh được quan hệ cá nhân, thiệt thòi cho những người có năng lực ”
Trong câu chuyện bổ nhiệm cán bộ, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang còn chỉ ra một thực tế thời gian qua, việc bổ nhiệm được thực hiện theo cách hỏi cấp ủy đồng ý bổ nhiệm người nào chứ không đánh giá theo kiểu trong các tiêu chí đối với chức danh cụ thể đó, thì ai hơn.
“Theo tôi phải đánh giá theo tiêu chí, đừng hỏi bổ nhiệm ai, trong 7 tiêu chí đưa ra, nếu ông A hơn thì bổ nhiệm ông A. Trong công tác cán bộ thời gian vừa rồi, chúng ta đã để cho nhiều người có đức có tài bị loại ra khỏi cuộc thông qua việc lấy phiếu. Nhiều cán bộ có năng lực, có tâm huyết nhưng trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của anh em, hay duy trì kỷ luật công tác nghiêm nên khi ra lấy phiếu tín nhiệm bị điểm kém, thậm chí bị “đánh hội đồng”. Chừng nào còn duy trì cách lấy phiếu này thì không thể tránh được kiểu quan hệ cá nhân, như vậy thiệt thòi cho những người có năng lực”, ông Nguyễn Mai Bộ nêu quan điểm.
Ngăn chặn vi phạm bổ nhiệm quan trọng phải từ người đứng đầu. Bác Hồ đã nói “cán bộ nào phong trào ấy”, cấp trên nghiêm túc thì cấp dưới mới nghiêm túc theo. Làm lãnh đạo mà để người ta chạy chọt, thậm chí nhiều vị còn để cả vợ, người thân tham gia, điều khiển công việc của mình ở cơ quan thì làm sao có được công bằng trong công tác cán bộ, làm sao nhân tài được trọng dụng. Cấp trên không khách quan, công tâm, chấp nhận hối lộ thì lấy gì để làm gương cho cấp dưới.
“Chừng nào còn duy trì kiểu bổ nhiệm theo cách lấy phiếu, không thể tránh được quan hệ cá nhân, thiệt thòi cho những người có năng lực”.