Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga bác tin cựu điệp viên Skripal từng gửi thư xin Tổng thống Putin được hồi hương

Nguyễn Phương (Theo Theguardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo từ Điện Kremlin, phía Nga đã phủ nhận thông tin cho rằng cựu điệp viên Sergei Skripal của Nga bị đầu độc từng gửi thư xin Tổng thống Vladimir Putin được hồi hương để thăm gia đình.

Điện Kremlin tuyên bố thông tin cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal từng gửi thư xin ông Putin được hồi hương là không đúng.

Ngày 24/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định thông tin cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal từng gửi thư xin ông Putin được hồi hương là không đúng.
Trước đó, kênh BBC của Anh đã dẫn lời Vladimir Timoshkov, người bạn của cựu điệp viên Skripal cho biết, ông đã gửi thư cho Tổng thống Putin năm 2012 để xin phép về Nga thăm người thân. "Ông Skripal không xem mình là "kẻ phản bội" vì lời thề của ông ấy là dành cho quê hương xã hội chủ nghĩa, tức Liên Xô cũ chứ không phải nước Nga”, ông Timoshkov nói.
Theo ông Timoshkov, cựu điệp viên Skripal cũng bày tỏ sự hối hận về việc trở thành điệp viên hai mang, đồng thời mong muốn trở về Nga để gặp lại mẹ, anh em và những người thân khác. Ông Timoshkov nói với phóng viên BBC rằng ông liên lạc với cựu điệp viên Skripal thông qua con gái Yulia hồi năm 2012 và hai người trò chuyện qua điện thoại.
Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định Moscow không nhận được bức thư nào từ ông Skripal.
Cựu điệp viên Skripal (66 tuổi) bị kết tội tại Nga năm 2006 vì tiết lộ thông tin nhạy cảm cho tình báo Anh Mi-6. Ông được ân xá và tới Anh năm 2010 và sống tại đó. Hôm 4/3 vừa qua, ông Skripal và con gái được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên ghế băng tại trung tâm mua sắm ở Salisbury (Anh) và đang được điều trị vì phơi nhiễm chất độc thần kinh.
Nguồn gốc của chất độc thần kinh bí ẩn - được sử dụng hôm 4/3 tại Salisbury - là tâm điểm trong vụ căng thẳng quan hệ giữa Nga và Anh xung quanh vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc. Phía Anh cho biết chất độc có liên quan đến chất Novichok được Liên Xô phát triển. Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga để trừng phạt.
Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quân sự (DSTL) nằm cách hiện trường vụ đầu độc chỉ hơn 10km.
Nga cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Anh tại Moscow, đóng cửa lãnh sự quán Anh tại TP St Petersburg để trả đũa việc Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Phía Nga phản bác mạnh mẽ cáo buộc và cho rằng, chất hóa học đó đã được nhiều bên nghiên cứu và điều chế, trong đó có Anh. Mới đây, Đại sứ Nga tại EU, Vladimir Chizhou, cho biết một phòng nghiên cứu bí mật ở Porton Down, nằm cách hiện trường vụ đầu độc chỉ hơn 10km, có thể sản xuất chất độc chết người. Được biết, Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quân sự (DSTL) chuyên nghiên cứu về chiến tranh hóa học, sinh hoc và phóng xạ.
Trả lời phỏng vấn BBC, Giám đốc điều hành phòng thí nghiệm DSTL, Gary Aitkenhead, khẳng định: "Chúng tôi sẽ không được phép hoạt động nếu chúng tôi thiếu kiểm soát tới mức để cho bất cứ thứ gì lọt ra ngoài 4 bức tường của phòng thí nghiệm. Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng không có gì từ đây có thể thoát ra được thế giới bên ngoài".
Theo người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Anh, những lời nói của Giám đốc Aitkenhead cho thấy, phòng nghiên cứu quân sự này có liên quan tới việc điều chế các chất độc chết người và ông Aitkenhead đã không thể phủ nhận khả năng DSTL sở hữu chất độc thần kinh Novichok.