Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga bất ngờ đi nước cờ “hiểm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài ngày sau khi “án binh bất động” để theo dõi cuộc chính biến tại Ukraine, Nga đã hành động nhanh, dứt khoát khiến cả cộng đồng quốc tế bất ngờ, nếu không muốn nói là trở tay không kịp.

Diễn biến này cho thấy, nếu muốn, Nga hoàn toàn có khả năng một mình xoay chuyển cục diện tại Ukraine hay bất kỳ “cuộc chơi” nào khác.Xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga đã có mặt ở Crimea, các binh sĩ Ukraine tại bán đảo này đã tự nguyện giao nộp vũ khí nhường quyền kiểm soát các vị trí then chốt cho các đơn vị quân đội Nga. Ngoài khơi vùng biển Crimea, soái hạm của Nga đã hiện diện, trong khi Hạm đội Biển Đen đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Giống như cuộc chính biến, phế truất Tổng thống, phê chuẩn chính phủ lâm thời, ấn định thời gian bầu cử mà phương Tây hỗ trợ cho phe đối lập tại Ukraine, Nga đã “đáp trả” bằng cách đưa Crimea vào tình trạng mọi sự đã rồi.
Binh sĩ và xe quân sự Nga ở Crimea - Ukraine. Ảnh: AFP
Binh sĩ và xe quân sự Nga ở Crimea - Ukraine. Ảnh: AFP
Giữa lúc Mỹ và phương Tây nỗ lực tìm cách giải quyết tình thế tại Ukraine, Tổng thống Nga có lẽ là người bận rộn nhất. Liên tiếp các buổi họp và các cuộc điện đàm quốc tế liên quan đến tình hình Ukraine với Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức… Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon hôm 2/3, ông Putin thẳng thắn tuyên bố, trong trường hợp leo thang các hành động áp lực đối với người dân nói tiếng Nga ở các khu vực phía Đông Ukraine và ở Crimea, Nga sẽ không thể đứng nhìn và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Trước đó, trong cuộc điện đàm kéo dài tới 90 phút với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga khẳng định “có mối đe dọa thật sự lớn đối với cuộc sống và sức khỏe của các công dân Nga ở Ukraine”. Vì thế, Moscow “có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga” trong bối cảnh Quốc hội nước này đã cho phép sử dụng quân đội trên đất Ukraine.

Rõ ràng, những cảnh báo về sự trả đũa như hủy bỏ kế hoạch tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochi vào mùa hè tới và dừng các cuộc đàm phán thương mại với Moscow, Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không có nhiều sự lựa chọn trong việc phản ứng với quyết định sử dụng lực lượng quân sự của Nga tại Crimea. Ngay cả khi ông Obama cho hay Moscow đã "vi phạm luật pháp quốc tế" khi xâm nhập vào Ukraine và sẽ áp dụng các biện pháp “trừng phạt” để Nga phải chịu “sự cô lập về chính trị và kinh tế”; hơn nữa nếu không rút quân khỏi khu vực, thì Mỹ và EU không thể làm gì hơn vì Ukraine không phải là một thành viên đầy đủ của NATO.

Ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tổ chức cuộc hội đàm với “những người đồng cấp trên toàn cầu” để “phối hợp những động thái xa hơn”, giới chức Nhà Trắng cũng thừa hiểu rằng không nên khiêu khích ông Putin thái quá, nhất là sau sự kiện Gruzia năm 2008. Không những thế, Washington vẫn đang cần sự hợp tác của Moscow nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, đàm phán hạt nhân Iran và vận chuyển binh lính và trang thiết bị của Mỹ ra khỏi Afghanistan thông qua các tuyến đường mà phía Nga cung cấp.

Dù chưa có một tiếng súng nào vang lên tại Crimea nhưng chính phủ lâm thời của Ukraine đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc hướng về phía châu Âu. Đó là chưa kể đến việc Nga chưa sử dụng đến nước cờ không giảm giá bán khí đốt, vì thiếu nhiên liệu, Ukraine không biết sẽ phải làm gì để vượt qua được thời tiết khắc nghiệt hiện nay.