Ngay sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu quyết định áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các thể chế và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, gồm công ty dầu mỏ lớn nhất và thứ hai của Nga là Rosneft Oil Co và Novatek, Ngân hàng Gazprombank, Ngân hàng Vnesheconombank (VEB), Công ty Vận tải biển Feodosiya Enterprises…, nền kinh tế Nga đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn mới.
Thị trường chứng khoán Nga đã giảm điểm do lo ngại những bất ổn địa chính trị thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. Ảnh: AFP
|
Trong khi đó, việc Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ bổ sung vào danh sách trừng phạt nhiều cá nhân, doanh nghiệp của Nga vì những nghi vấn liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 khiến giới doanh nhân nước này lo ngại về tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, những yếu tố khác như tỷ giá đồng ruble Nga cũng như những thay đổi sắp tới trong chính sách thuế và phí đã dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao hơn và đe dọa lạm phát vượt khỏi ngưỡng mục tiêu trong những năm tới. Rủi ro này lớn đến mức buộc Ngân hàng T.Ư Nga hôm 25/7 phải nâng lãi suất cơ bản từ 7,5% lên 8%, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm 2014 đến nay. Đồng thời, mức lãi suất mới cao hơn nhiều so với lãi suất trung bình 6,49% trong hơn 10 năm qua của Nga. Theo đánh giá của Hội đồng Điều hành Ngân hàng T.Ư Nga, quyết định nâng lãi suất được thông qua nhằm làm chậm lại đà tăng của tỷ lệ lạm phát và đảm bảo mục tiêu trung hạn lạm phát ở mức 4%. Nếu nguy cơ lạm phát tăng cao tiếp tục tồn tại trong thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản lên cao hơn nữa.
Trên thương trường toàn cầu, Nga đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng vệ như cảnh báo sẽ sử dụng các cơ chế của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo Đại diện của Nga tại WTO Gennady Ovechko, các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt chống lại các công ty và tổ chức tài chính Nga là vi phạm các quy định của WTO và có thể buộc Nga tiến hành một cuộc điều tra về tranh chấp thương mại với Mỹ. cảnh báo rằng, những hành động của Mỹ có thể sẽ kích động một chuỗi sự kiện không mong muốn và làm suy yếu niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương này khi lợi dụng bối cảnh chính trị để can thiệp và hoạt động kinh doanh của các công ty Nga. Ông Ovechko đồng thời bày tỏ mối quan ngại trước các biện pháp trừng phạt từ các nước thành viên của WTO khác đối với Nga. Trong một bước đi đầu tiên, Nga đã quyết định cấm nhập khẩu các chế phẩm từ sữa của Ukraine.
Với những tuyên bố và hành động đã thực hiện, Nga cho thấy mình không phải là một đối thủ dễ bắt nạt trong cuộc chơi leo thang các đòn trừng phạt. Thậm chí, nếu không cẩn thận, các nước phương Tây mới chính là bên bị thiệt hại nhiều nhất vì còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng của Nga.