47 Ngoại trưởng các quốc gia thành viên đã bỏ phiếu để ủng hộ tuyên bố rằng tất cả các thành viên nên có quyền tham gia vào các cơ quan chính của hội đồng trên cơ sở bình đẳng, đồng nghĩa với việc quyền bầu cử của Nga được khôi phục.
Hội đồng có trụ sở tại Strasbourg, Pháp, vốn mở cửa cho tất cả các nước châu Âu bất kể có thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay không, đã đình chỉ quyền bỏ phiếu của Nga khi Moscow tiến hành sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý - một động thái bị Ukraine, Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc là bất hợp pháp. Nga, gia nhập EC từ năm 1996, sau đó đã ngừng nộp phí thành viên để phản đối.
Đáng nói, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã bất ngờ vắng mặt tại cuộc nhóm họp hôm 16/5 ở Phần Lan, được xem như là dấu hiệu cho thấy sự phản đối của Kiev với sự phục hồi của Nga tại EC. Ukraine cũng được thông báo là 1 trong 6 nước đã bỏ phiếu chống lại quyết định của EC hôm nay.
Pháp - quốc gia sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên tại EC kể từ ngày 17/5 - cùng với Đức đã lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Nga trở lại vì lợi ích của hàng triệu thường dân nước này. Trong khi Moscow, thông qua một phát biểu trước cuộc họp của Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cho biết nước này không xem sự phục hồi quyền bỏ phiếu ở EC là một lợi ích của Nga.
Các quan chức cấp cao của Nga từng nhiều lần đe dọa có thể rút nước này khỏi EC hoàn toàn, đồng nghĩa với việc ngăn cản công dân Nga tiếp cận Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) - được cho là điểm kháng cáo cuối cùng với thủ tục tố tụng hình sự ở Nga. AP dẫn số liệu một báo cáo thường niên của ECHR cho thấy, hơn 20% tất cả các trường hợp được ghi nhận tại ECHR trong năm 2018 đến từ các công dân Nga.