Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngả mũ xin tiền, không đăng ký nội dung: Có thể bị cấm biểu diễn trên phố đi bộ

Linh Anh - Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm không chỉ là địa điểm vui chơi hấp dẫn du khách, mà còn là một “sân khấu” đang được các nhóm nghệ thuật chuyên nghiệp tới biểu diễn một cách tự phát.

Thực trạng đó kéo theo những hình ảnh chướng tai, gai mắt như: Ngả mũ xin tiền, hỗn độn đủ thứ âm thanh…
Bội thực âm thanh
Dạo một vòng quanh tuyến phố đi bộ, không khó để bắt gặp những nhóm nhạc biểu diễn với đủ mọi loại hình: Chơi đàn, kéo nhị phía đối diện tượng đài Lý Thái Tổ, nhảy hiện đại ở ngã tư Tràng Tiền, hát xẩm, hát nhạc trữ tình trên phố Hàng Đào, Tạ Hiện, Mã Mây... Không phủ nhận những tiết mục được dàn dựng có chủ đích ấy góp phần làm cho hoạt động trên tuyến phố đi bộ trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Tuy nhiên, ngoài những đơn vị được cơ quan quản lý (Sở VH&TT Hà Nội) cho phép, vẫn tồn tại không ít nhóm nhạc hoạt động tự phát, biểu diễn gần nhau khiến người dân như bị bội thực âm thanh. Nếu như trước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một chương trình diễn của một nhóm nhảy hiện đại, thì cách đó không xa - phía gần Nhà hát Múa rối Thăng Long lại là những nhóm hát dạo; hoặc lệch sang phía trước nhà hàng Thủy Tạ lại là những nhóm chơi violon và guitar, thậm chí cả dàn hợp xướng ở ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Việc bố trí không hợp lý các địa điểm và chương trình biểu diễn khiến du khách và người dân sống trong khu vực này bức xúc vì phải hứng những thứ âm thanh hỗn tạp.

Ngả mũ xin tiền khi biểu diễn ca nhạc trong không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nam Khánh

Ông Nguyễn Văn Trực – Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Phố đi bộ được xác định là một không gian đặc biệt, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tâm linh quan trọng, nên phải thể hiện được sự thanh lịch, đưa đến cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, Sở VH&TT đã tính đến độ rải và phủ hoạt động biểu diễn của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tuy nhiên, có một số ban nhạc tự phát, xảy ra tình trạng không kiểm soát được mức độ âm thanh, khiến âm thanh công nhau, giảm đi sự hấp dẫn của các loại hình”.
Được biết, theo quy hoạch ban đầu, Sở VH&TT và quận Hoàn Kiếm đã bố trí một số điểm biểu diễn, bao gồm: Đền bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch trên phố Tràng Tiền, xiếc và ảo thuật đường phố tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nhóm nhạc đương đại trong khu vực số 2 Lê Thái Tổ, nhóm hát xẩm khu vực tượng đài vua Lê, ban nhạc Flamenco của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tại khu vực đồng hồ hoa Hàng Khay, nghệ thuật dân gian khu vực nhà bát giác phía sau vườn hoa Lý Thái Tổ.
Dễ quản lý nhưng không “hành” nghệ sĩ
 “Từ khi có phố đi bộ, nhạc kịch đổ về khu vực này nhiều, nghe thì cũng hay, nhưng phải nói thật, nhìn họ ngửa mũ xin tiền của du khách, tôi thấy có gì đó không được lịch thiệp và đẹp cho lắm!” – đó là một trong số rất nhiều chia sẻ ghi nhận được từ phía người dân sinh sống tại phố Đinh Tiên Hoàng. Trước những phản ánh của người dân về thực trạng trên, UBND TP đã giao cho Sở VH&TT rà soát, nhắc nhở các đơn vị nghệ thuật đang hoạt động trên khu vực phố đi bộ không được để tồn tại những hình ảnh phản cảm, lợi dụng không gian đi bộ để kiếm tiền. “Sau khi kiểm tra các buổi biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ, Thanh tra Sở VH&TT ghi nhận tình trạng ngả mũ xin tiền không xảy ra với các đoàn chuyên nghiệp được Sở cho phép, mà chủ yếu là các nhóm nhạc tự phát. Thanh tra Sở VH&TT đã tiến hành nhắc nhở, nếu các nhóm nhạc vẫn cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt” – ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.
Để nắm bắt nhằm sắp xếp hợp lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ, Sở VH&TT đã gửi thông báo đến các nhóm nhạc, đơn vị yêu cầu phải thông báo nội dung biểu diễn đến Sở VH&TT Hà Nội trước 5 ngày. Nếu các cá nhân, tổ chức biểu diễn trên phố đi bộ không hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý trong thời gian tới hoặc đã đăng ký nhưng không thực hiện đúng cam kết, Sở VH&TT sẽ ra quyết định cấm biểu diễn vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo nhiều nghệ sĩ, ngoài biểu diễn trên phố đi bộ, các nhóm nhạc còn tham gia hoạt động biểu diễn ở rất nhiều nơi nên đã là định kỳ nhưng hàng tuần phải lên thông báo với Sở thì quá rườm rà. “Theo tôi, Sở VH&TT cần nắm được tất cả các nhóm hoạt động âm nhạc đường phố, cũng như nội dung biểu diễn để dễ quản lý. Tuy nhiên, đây là hoạt động âm nhạc đường phố với không gian mở nên việc quản lý nội dung từng chương trình là điều chưa phù hợp. Các nhóm sau khi báo cáo một lần sẽ tự chịu trách nhiệm về nội dung biểu diễn, thay vì báo cáo với Sở hàng tuần, vừa mất thời gian của nghệ sĩ, vừa giới hạn sự sáng tạo” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - thành viên nhóm xẩm Hà Thành biểu diễn thường xuyên vào dịp cuối tuần trước tượng đài vua Lê cho biết.
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đang trở thành một không gian đáng trải nghiệm của người dân và du khách. Chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn tự phát, trả lại trật tự cho khu phố là điều cần thiết. Tuy nhiên, các đơn vị cần nghiên cứu hình thức dễ quản lý nhưng không làm khó nghệ sĩ mà tạo điều kiện sáng tạo cho những chương trình chủ yếu trên tinh thần tự nguyện như hiện nay.
Sở VH&TT Hà Nội sau khi nhận được nội dung biểu diễn của các nhóm nhạc sẽ cùng quận Hoàn Kiếm xác định không gian, địa điểm, loại hình phù hợp cho từng vị trí biểu diễn, tránh những xung đột âm thanh như hiện nay.
Ông Tô Văn Động
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội 

Ở Bỉ, hay Pháp cũng cấp giấy chứng nhận biểu diễn cho các nhóm nhạc biểu diễn đường phố theo định kỳ 6 tháng hoặc một năm ở một vị trí cố định. Nếu các nhóm nhạc vượt ra khỏi vị trí đã cho phép dù chỉ 1m sẽ bị xử phạt rất nặng. Ngoài ra, họ để các nhóm nhạc tự do sáng tạo trong nội dung biểu diễn đã đăng ký, không kiểm soát kịch mục từng buổi diễn.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long Thành viên nhóm xẩm Hà Thành