Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ dẫn đầu phái đoàn của Washington tham dự cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga. Ảnh: Reuters |
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai cường quốc hạt nhân vào ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí tái khởi động tiến trình Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ Nga nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Cuộc gặp này triển khai cam kết giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin về tiến hành đối thoại thẳng thắn và có chủ ý giữa hai nước nhằm tạo lập nền tảng cho các biện pháp giảm trừ nguy cơ và kiểm soát vũ khí trong tương lai”.
Tham gia cuộc đàm phán lần này cùng với bà Sherman còn có Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh quốc tế Bonnie Jenkins.
Thông qua các cuộc đối thoại trong khuôn khổ Đối thoại ổn định chiến lược, Mỹ và Nga mong muốn tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và cho các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia vốn nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. New START đã được thực thi từ năm 2011 và vào ngày 3/2 vừa qua, Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn 5 năm hiệp ước New START, đến ngày 5/2/2026.