Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh ngừng thỏa thuận đạt được năm 2012 giữa hai bên, theo cam kết tiêu hủy hàng tấn plutonium - nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân phía Moscow đưa ra là Washington đã không tuân thủ thỏa thuận này, cũng như do căng thẳng hiện nay leo thang giữa hai bên.
Hai cựu thù Chiến tranh lạnh đang trong thế đối đầu ở một số vấn đề như khủng hoảng Ukraine với việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và Moscow hỗ trợ phe thân Nga ở Syria.
Thỏa thuận tiêu hủy plutonium được ký năm 2000 nhưng phải tới 10 năm sau đó mới bắt đầu đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, cho tới nay thỏa thuận này lại bị ngừng do “nguy cơ bất ổn chiến lược và là kết quả của loạt hành động thiếu thân thiện của Mỹ hướng tới Nga”, theo lời tựa của sắc lệnh.
Theo đó, sắc lệnh cũng có nội dung cho rằng, Washington đã không “đảm bảo hoàn thành những cam kết với số plutonium cấp vũ khí dư thừa”.
Thỏa thuận được ký bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ lúc bấy giờ, bà Hillary Clinton, kêu gọi mỗi bên tiêu hủy 34 tấn plutonium bằng phương pháp thiêu trong lò hạt nhân. Theo bà Clinton, số plutonium này đủ để sản xuất hơn 17.000 đơn vị vũ khí hạt nhân. Moscow và Washington lúc bấy giờ xem đây là biểu tượng hợp tác giữa hai cựu thù hướng tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Bên cạnh căng thẳng Mỹ - Nga, chi phí tiến hành tiêu hủy khá cao ở mức khoảng 5,7 tỷ USD được coi là một trong những mối đe dọa tính hiệu quả của thỏa thuận này.