Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - OPEC dự định tăng tốc sản lượng, giá dầu đối mặt đợt lao dốc mới?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia cảnh báo nhóm OPEC+ sẽ phải cẩn thận để tránh gây ra đợt sụp đổ giá mới nếu đảo ngược thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại.

Các nước thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là OPEC+ sẽ thảo luận về chính sách điều hành sản lượng hiện tại và những tháng cuối năm trong cuộc họp trực tuyến kéo dài từ ngày 14 - 15/7.
Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo (bên phải) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ủy ban giám sát chung của các bộ trưởng OPEC (JMMC) sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm khoảng 9,6 triệu thùng/ngày hoặc sẽ nới lỏng hạn ngạch từ tháng 8 tới.
Các chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng, các mức cắt giảm sản lượng kỷ lục được nhất trí hồi tháng 4 và có hiệu lực trong tháng 5 và 6 sẽ được xem xét tại hội nghị trực tuyến quan trọng này.
Một nguồn tin trong OPEC cho rằng, đà tăng của giá dầu trong những tháng gần đây sẽ thúc đẩy các nước tham gia nới lỏng hạn chế sản lượng hiện nay khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày - chỉ còn cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày.
Một đại biểu của OPEC hôm 13/7 nói rằng nhu cầu đối với nhiên liệu đang được cải thiện trên toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu của OPEC.
Giá dầu lao dốc hồi đầu năm nay do nhu cầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, sụt giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cuộc chiến giá giữa Ả Rập Saudi và Nga hồi tháng 3 cùng tác động từ lệnh phong tỏa trên thế giới ngăn dịch Covid-19 khiến thị trường dầu tiếp tục biến động mạnh trong tháng 3. Thậm chí, giá dầu còn thiết lập mức giá âm lần đầu tiên trong lịch sử vào cuối tháng 4.
Nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung kỷ lục của OPEC, giá “vàng đen” đã phục hồi, chứng kiến quý tăng mạnh nhất trong 30 năm. Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 được giao dịch ở mức 40,52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent duy trì mức hơn 43 USD/thùng.
Trước đó, các nước OPEC+ dự định xem xét nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 7. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, OPEC và Nga đã thống nhất hoãn việc tăng sản lượng cho đến tháng 8 do nhu cầu chưa hoàn toàn phục hồi trong khi các kho dự trữ toàn cầu vẫn còn nhiều.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cuối tuần trước đã tăng dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020. Trong một báo cáo tháng, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu thô hàng năm lên 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với dự báo đưa ra vào tháng trước, khi mức giảm của nền kinh tế trong quý II thấp hơn dự kiến, nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng ở nhiều nước.
 OPEC và Nga sẽ xem xét quyết định về thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại trong cuộc họp từ ngày 14 - 15/7.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ tiếp tục sụt giảm trong khi lượng tồn kho trong đợt bùng phát đầu tiên vẫn còn khá lớn. Nếu OPEC+ điều chỉnh tăng sản lượng, giá dầu nhiều khả năng sẽ đánh mất đà leo dốc liên tục trong những tháng qua.
John Kilduff, đối tác của Again Capital, nhận xét: “Tôi nghĩ việc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng nếu OPEC+ quyết định tại cuộc họp chính sách trong tuần là quá sớm. Tôi không chắc chắn nguồn cung - cầu sẽ cân bằng trong những tháng tới nếu thị trường được bơm thêm dầu tư OPEC và Nga”.
“Kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ trong tháng 8 và sự phục hồi sản xuất của các công ty năng lượng Mỹ có thể gây thêm áp lực cho nguồn cung toàn cầu” - ông Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC cho biết.
Theo chuyên gia Helima Croft, việc tăng nguồn cung từ OPEC+ và đợt bùng phát số ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nước, nhiều khả năng giá dầu sẽ lao dốc về mức dưới 35 USD/thùng, thậm chí xuống còn 30 USD./.