Tass đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/6 cho biết Moscow kêu gọi các nước có trách nhiệm không tham gia “hội nghị thượng đỉnh toàn cầu mà Kiev đề xuất do tính chất khiêu khích của sáng kiến này.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình tại Ukraine là phương Tây phải ngừng viện trợ vũ khí cho Kiev.
“Nếu các nước phương Tây không thực hiện được điều này, bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hay cuộc họp cấp cao nào cũng không đem lại cơ hội đạt được hòa bình cho Ukraine,” bà Zakharova nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại rằng chính quyền Kiev đã vi phạm Hiệp định hòa bình Minsk.
Theo bà Zakharova, mong muốn của phương Tây là mời càng nhiều nước tham gia hội nghị thượng đỉnh toàn cầu càng tốt, đặc biệt là các quốc gia Nam bán cầu, chỉ nhằm một mục tiêu: "Lôi kéo họ ủng hộ quan điểm của phương Tây liên quan đến các sự kiện tại Ukraine”.
Trước đó, ngày 25/6, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, cho biết Kiev muốn đăng cai một hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu để thảo luận về kế hoạch hòa bình của Ukraine.
Ngày 1/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Kiev đang chuẩn bị nội dung thảo luận kế hoạch hòa bình cho Hội nghị Thượng đỉnh, đồng thời nói rằng ông muốn những cuộc thảo luận này có sự tham gia của nhiều nước nhất có thể. Ông Zelensky đã công bố sáng kiến hòa bình 10 điểm vào tháng 11/2022, trong đó bao gồm việc trao đổi toàn bộ tù binh với Nga, các đảm bảo an ninh cho Ukraine và điều kiện quay về tình trạng biên giới trước năm 2014.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow không thể thay đổi cách tiếp cận đối với việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine chừng nào phương Tây còn cố tình tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình Channel One ngày 28/6, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga không thay đổi các mục tiêu đặt ra với "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
“Tổng thống Vladimir Putin “trong vài ngày qua đã có các bài phát biểu dài đánh giá về tình hình hiện tại, đặc biệt nhấn mạnh rằng, khi vượt qua âm mưu binh biến, Nga đã không nhượng bộ về các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và không mất bất kỳ vị trí nào trên chiến trường. Nga không thể từ bỏ những mục tiêu đã được đặt ra,” ông Lavrov cho hay.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện không có cơ sở để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột với Ukraine.
Theo ông Peskov, Điện Kremlin không nắm được bất cứ thông tin liên quan tới kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine vào tháng 7.
Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ cuối tháng 2/2022 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng.
Moscow nhiều lần tuyên bố, chiến dịch này chỉ chấm dứt khi Ukraine đồng ý khôi phục tình trạng trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tìm cách gia nhập các liên minh, trong đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Nga cũng khẳng định nước này sẵn sàng đàm phán nhưng Kiev đã cấm đàm phán với Tổng thống Putin. Moscow cho rằng, phương Tây hối thúc nước này tham gia cùng với Ukraine vào tiến trình giải quyết xung đột, nhưng cùng lúc lại "nhắm mắt làm ngơ" trước việc Kiev từ chối thảo luận về các lựa chọn hòa bình.