Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga phủ bóng cuộc họp của EU

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc nhóm họp ở Luxembourg hôm nay (12/10), các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc xem có nên trừng phạt Nga vì vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny hay không.

Nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny. 
Theo AP, các nhà ngoại giao đang xem xét đề xuất của Pháp và Đức về việc phong tỏa tài sản của những người bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc, và cấm họ nhập cảnh vào châu Âu, nhằm chống lại việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học.

Navalny, một nhà phê bình và đối thủ chính trị lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã phải nhập viện cấp cứu ngày 20/8 trong một chuyến bay nội địa ở Nga. Người này sau đó đã được chuyển đến Đức để điều trị và vẫn đang hồi phục ở đó.

Tuần trước, các cuộc kiểm tra được tiến hành tại các phòng thí nghiệm do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) chỉ định đã xác nhận, Navalny đã trúng chất độc thần kinh Novichok - hóa chất phổ biến thời Liên Xô cũ.

Thứ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 12/10 nói rằng, với những phát hiện của OPCW, hiện tại rõ ràng rằng đó là "hành vi vi phạm Công ước về Vũ khí Hóa học - một điều không thể tồn tại mà không có hậu quả".

Trước đó, trong một tuyên bố chung, Pháp và Đức nhất trí rằng, bất chấp những lời kêu gọi lặp đi lặp lại, Moscow vẫn chưa đưa ra "lời giải thích đáng tin cậy nào" cho những gì đã xảy ra trong vụ việc Navalny". Do đó, họ sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt bởi EU nhằm "nhắm vào các cá nhân bị coi là chịu trách nhiệm cho tội ác này và vi phạm các chuẩn mực quốc tế".

Cũng trong ngày 12/10, EU đã đồng ý gia hạn, đến ngày 16/10/2021, hệ thống cho phép 27 quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người và tổ chức liên quan đến việc phát triển và sử dụng vũ khí hóa học.

Theo đó, 9 người đã có tên trong danh sách trừng phạt, gồm 4 người bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công Novichok ở Salisbury, Anh, 2 năm trước, và 5 người có liên quan đến nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Một tổ chức - Trung tâm Nghiên cứu và Nghiên cứu Khoa học của Syria - cũng bị trừng phạt.

Các Ngoại trưởng cũng thảo luận về việc có nên bổ sung thêm tên vào danh sách các quan chức Belarus có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi của nước này hồi tháng 8 hay không. Cuộc thăm dò đã bị phương Tây từ chối công nhận kết quả, với chiến thắng dành cho Tổng thống Alexander Lukashenko.