Theo hãng tin Anadolu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa giải để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới giữa Israel và lực lượng Hamas.
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Diễn đàn Doha năm 2023 ở Qatar, Thủ tướng Al Thani cho biết Qatar và các quốc gia đối tác đang đẩy mạnh nỗ lực để tiếp tục đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Dải Gaza. Theo Thủ tướng Qatar, đối thoại là giải pháp tốt nhất để giải quyết tất cả các cuộc xung đột trên thế giới.
Cùng với Ai Cập và Mỹ, Qatar là nước đóng vai trò trung gian hòa giải chủ chốt trong xung đột Hamas-Israel, góp phần không nhỏ đem đến thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày (từ ngày 24/11 vừa qua) ở Dải Gaza.
Cùng ngày, khi phát biểu trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Doha, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow sẽ tiếp tục gia tăng áp lực chính trị để đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo mới tại Dải Gaza.
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Nga vẫn theo đuổi nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột Israel-Hamas kể từ khi bạo lực bùng phát tại Gaza.
Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố vào Israel, cũng như bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cho rằng việc trừng phạt tập thể hàng triệu dân thường Palestine là không thể chấp nhận được.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã kêu gọi Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres giám sát cách Israel tuân thủ nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc kêu gọi thêm viện trợ vào Gaza.
Về phong trào Hồi giáo Hamas, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Moscow hiện chỉ duy trì kênh tiếp xúc với phe chính trị của lực lượng này tại Qatar, và điều này đã giúp đạt được thỏa thuận thả con tin Israel sau đó.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza khi phát biểu tại Diễn đàn Doha năm nay.
Ông Guterres nói rằng “số thương vong dân sự ở Gaza trong một thời gian ngắn như vậy là hoàn toàn chưa từng có”, đồng thời cảnh báo “hệ thống hỗ trợ nhân đạo tại Dải Gaza đối mặt nguy cơ sụp đổ”.
“Tình hình đang xấu đi nhanh chóng. Người Palestine đang đối mặt thảm họa y tế, đặc biệt là dịch bệnh, và gia tăng áp lực buộc phải di dời hàng loạt sang Ai Cập” - ông cho hay, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ “gây sức ép để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza”.
Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Guterres được đưa ra trong bối cảnh ngày 8/12 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết do Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đề xuất yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza.
Trong số 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ, 13 nước bỏ phiếu tán thành. Mỹ bỏ phiếu phủ quyết dự thảo, trong khi Anh bỏ phiếu trắng.
Tình hình ở Trung Đông trở nên xấu đi sau khi các tay súng Hamas từ Dải Gaza xâm nhập vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 vừa qua, khiến nhiều cư dân tại các khu định cư biên giới thiệt mạng và bắt giữ con tin.
Israel đã tuyên bố phong tỏa hoàn toàn vùng đất này và tiến hành các chiến dịch quân sự. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hết hiệu lực hôm 1/12, Israel đã nối lại các cuộc pháo kích và không kích vào Gaza. Ít nhất 17.700 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 48.780 người khác bị thương do các cuộc không kích và chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel tại Gaza.