Nghiên cứu của Viện Kinh tế Năng lượng của Đại học Cologne (CHLB Đức) được công bố hôm 3/9 cũng đưa ra dự báo rằng, sự phụ thuộc khí đốt vào Nga của châu Âu còn kéo dài ít nhất trong 10 năm tới. Nghiên cứu được thực hiện qua mô phỏng việc dẫn khí đốt qua các hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu, việc tích trữ khí ga của các quốc gia với kịch bản Nga sẽ thực hiện cấm vận xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong các thời hạn 3, 6 và 9 tháng liên tục. Với 3 tháng cấm vận khí đốt từ Nga, Ba Lan sẽ thiếu hụt khoảng 1,8 tỷ mét khối khí đốt; con số này là 3,8 tỷ mét khối đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bỉ, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hy Lạp, các nước vùng Balkan và Estonia sẽ bị tác động sau 6 tháng cấm vận khí đốt từ Nga. Kịch bản sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Nga quyết định cấm vận trong 9 tháng. Lúc này, kể cả những nước có khả năng dự trữ lớn như Đức, Italy, Pháp sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 46 tỷ mét khối; chưa kể tới các nước như Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Anh, Ireland. Tuy nhiên, nước dễ bị tổn thương nhất lại là Phần Lan ở khu vực Bắc Âu. Do không có khả năng dự trữ được lượng khí đốt đến từ Nga nên nước này sẽ chỉ tồn tại được 1 tháng đặt trong trường hợp Nga cắt nguồn khí đốt xuất khẩu sang EU. Theo tính toán Phần Lan sẽ thiếu khoảng 10% cầu về khí đốt trong tháng đầu tiên và con số này lên tới 50% nếu Nga cắt xuất khẩu khí đốt trên 3 tháng. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế khi mất đi nguồn thu lên tới từ 4 đến 4,5 tỷ euro cho mỗi tháng thực hiện cấm vận với châu Âu (tương đương khoảng 3,5% doanh số của Tập đoàn Gazprom). Theo các chuyên gia kinh tế năng lượng Đức, yếu tố này hoàn toàn có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga.