Theo Reuters, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak hôm 25/2 cho biết, Thụy Sĩ sẽ tổ chức một hội nghị vào mùa Hè, nhằm thảo luận về công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Yermak để ngỏ khả năng tham gia hội nghị hòa bình của Nga trong tương lai khi nói rằng Moscow có thể được mời tham dự trong một cuộc họp tiếp theo và vào thời điểm phù hợp.
"Chúng ta có thể mời Nga tham dự hội nghị tại thời điểm chính quyền nước này thực sự muốn chấm dứt xung đột và thiết lập lại hòa bình" - ông Yermak cho hay.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng xác nhận Nga có thể được mời tham dự hội nghị lần thứ hai về Ukraine ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông nói rằng các đại diện của Nga sẽ chỉ được mời để nhận thông báo về kế hoạch hòa bình được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thứ nhất ở Thụy Sĩ.
Tổng thống Zelensky cho biết, ông hy vọng thượng đỉnh về Ukraine ở Thụy Sĩ sẽ được tổ chức trong những tháng tới, có thể sớm nhất là vào mùa Xuân.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, khoảng 31.000 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng trong 2 năm xung đột với Nga. Ông Zelensky không công bố số binh sĩ bị thương vì điều đó có thể tạo manh mối cho Nga lập kế hoạch quân sự.
Trước đó, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine không chỉ dự định tiếp tục phòng thủ vào năm 2024 mà còn chuẩn bị cho cuộc phản công mới. Ông cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây đẩy mạnh viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, kế hoạch phản công mới của Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây, và nói rằng Liên minh châu Âu mới cung cấp được 30% trong số 1 triệu quả đạn đã cam kết.
Trước đó, Thụy Sĩ hôm 23/2 tiết lộ họ dự định tổ chức một hội nghị nói trên "vào mùa Hè". Tuy nhiên, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd ngày 24/2 nhận định Nga khó có thể tham gia ngay từ đầu hội nghị hòa bình mà Thụy Sĩ dự định đăng cai trong những tháng tới.
Tổng thống Zelensky lần đầu tiên công bố kế hoạch hòa bình của ông tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022. Công thức này kêu gọi khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga rút quân về nước.
Về phần mình, Nga nhiều lần phản đối "công thức hòa bình" do Ukraine đề xuất, cho rằng những đề xuất này không khác nào "tối hậu thư" cho Moscow.
Moscow khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev nhưng trước hết Ukraine cần hủy sắc lệnh cấm đàm phán với Nga và phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Nga hiện kiểm soát khoảng gần 20% lãnh thổ Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước cho biết, cả Ukraine và các quốc gia phương Tây đều không sẵn sàng chấm dứt đổ máu, do đó Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu.
Trong diễn biến liên quan, tờ Wall Street Journal đưa tin, Washington và các đồng minh được cho là đã loại trừ một thỏa thuận hòa bình với Nga trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11/2024.
Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 23/2: “Giới chức ở Washington và các thủ đô châu Âu đang hoài nghi về triển vọng của bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga, và xem nhẹ khả năng đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay”.
Hãng tin Mỹ cho biết thêm, chính quyền Kiev đã nhấn mạnh rằng, các lực lượng Nga phải rời khỏi toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, trong khi sự hỗ trợ của Mỹ có thể sụp đổ nếu ông Donald Trump đánh bại Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Theo Wall Street Journal, rủi ro chính trị thậm chí còn cao hơn so với thời điểm cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu cách đây hai năm vì các nhà lãnh đạo phương Tây đã đầu tư hàng tỷ USD vào quốc phòng của Kiev trong khi liên tục cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ họ “miễn là cần thiết”.