Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga tham chiến tại Syria: Chiến dịch Marketing hoàn hảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu vũ khí của Nga ước tính sẽ tăng thêm 6 - 7 tỷ USD. Kết quả này được coi là nhờ tác dụng “quảng cáo” hữu hiệu từ chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Kinhtedothi - Xuất khẩu vũ khí của Nga ước tính sẽ tăng thêm 6 - 7 tỷ USD. Kết quả này được coi là nhờ tác dụng “quảng cáo” hữu hiệu từ chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Màn “trình diễn” của quân đội Nga trong chiến dịch không kích tại Syria đã thu hút sự quan tâm của những “lái buôn” vũ khí và nhờ đó giúp cho Moscow có thể kiếm lời hàng tỷ USD từ các đơn hàng mới - các nhà phân tích và truyền thông cho hay. Theo các nhà phân tích, việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga tuần trước đã cho thấy, Moscow đã gặt hái được lợi ích chính trị hơn so với phương Tây tại Syria. Tuy nhiên, theo thống kê, xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2015 là 15 tỷ USD và chính thức “qua mặt” Mỹ trên thị trường vũ khí.
Máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Tờ Kommersant hôm thứ Hai đưa tin, hiệu ứng marketing từ chiến dịch Syria có thể đưa đến các hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá 6 - 7 tỷ USD. Theo đó, Algeria, Indonesia, Pakistan..., vốn là “khách hàng thân thiết” của Trung Quốc và Mỹ, nay đã có ý định mua chiến đấu cơ Sukhoi và các máy bay ném bom của Nga.

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria nhằm hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad được bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái và kéo dài đến giữa tháng 3 năm nay, khi Tổng thống Nga Vliadimir Putin quyết định rút phần lớn quân số về nước. Cuộc chiến này đã “ngốn” của Nga nửa tỷ USD, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, chi phí thực tế còn lớn hơn khoảng 2 - 3 lần.

Nhưng Moscow đã có một khoản đầu tư khôn ngoan, khi khoản chi phí này lại mang về cho Nga - quốc gia đang vật lộn với nền kinh tế suy thoái những hợp đồng mua bán vũ khí quý hơn vàng.

Việc Nga phóng tên lửa mới Kalibr từ biển Caspian đến mục tiêu cách Syria gần 1.000 dặm đã ghi danh vũ khí này vào đẳng cấp ưu việt. Moscow cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 Flanker. Qua đó, các loại vũ khí này “đắt như tôm tươi”. Ông Ruslan Pukhov - Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ cho biết, chiến dịch ở Syria đã tác động “siêu tích cực” đến lượng bán vũ khí của Nga, bằng cách cho thấy Moscow có những vũ khí lợi hại và có thể thách thức những ảnh hưởng từ phương Tây.

Tháng 12 năm ngoái, Sergei Smirnov - Giám đốc nhà máy sản xuất máy bay Novosibirsk, “cha đẻ” của phi cơ chiến đấu Sukhoi, trả lời phóng viên tờ Vedomosti rằng, Algeria đã gửi một đơn hàng đặt mua Su-32, một phiên bản xuất khẩu của máy bay ném bom chiến đấu Su-34 đã tham gia không kích tại Syria. Tiếp theo đó, tờ Interfax đưa tin, Algeria cũng đã ký hợp đồng 40 chiếc máy bay trực thăng tấn công Mi-28N mà Nga đã triển khai tại Syria. Cũng trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, nước này sẽ mua 10 chiếc Su-35 để thay thế phi cơ chiến đấu F-5 Tiger do Mỹ sản xuất.

Việc tham gia không kích tại Syria đã đem lại lợi đơn lợi kép đối với Nga. Không những giúp Nga chứng tỏ vai trò then chốt của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, “chiến dịch marketing” vũ khí đã đem lại các nguồn lợi “trời cho” với Nga, đặc biệt là ở thời điểm Moscow đang chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế - hậu quả từ các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây và Mỹ, sau việc sáp nhập Crimea.