Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/8 cho biết, Moskva đang đàm phán với Ukraine, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và Liên hợp quốc về vấn đề chuyển viện trợ nhân đạo tới miền Đông Ukraine đồng thời hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận liên quan càng sớm càng tốt.
Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ vấn đề viện trợ nhân đạo tới người dân miền Đông Ukraine đang trở nên hết sức cấp bách, không thể trì hoãn.
Theo ông Lavrov, nhiệm vụ ưu tiên của Nga hiện nay là đạt được thỏa thuận với Ukraine, ICRC và các tổ chức nhân đạo quốc tế của Liên hợp quốc về cung cấp khẩn cấp hàng viện trợ nhân đạo tới các khu vực Lugansk và Donetsk.
Một người phụ nữ bế một trẻ sơ sinh bên trong hầm tránh bom của một bệnh viện dã chiến ở Donetsk, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP)
|
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh hiện khu vực Lugansk đang trong tình trạng vô cùng khó khăn khi không có điện và nước, tại các bệnh viện, thuốc men cơ bản thậm chí cũng không đủ dùng.
Liên quan vấn đề viện trợ nhân đạo cho khu vực Đông-Nam Ukraine, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết trước đó ông đã điện đàm với một loạt nhà lãnh đạo châu Âu và tất cả đều nhất trí quan điểm rằng hàng viện trợ nhân đạo của Nga chỉ được phép chuyển đến nếu được sự đồng ý của chính quyền Kiev và phải được thực hiện dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế độc lập, có kinh nghiệm, cũng như ICRC.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố ông đang xem xét khả năng gửi phái đoàn nhân đạo tới khu vực Đông-Nam đất nước. Người đứng đầu Ukraine cho biết chính quyền Kiev sẵn sàng chấp nhận một phái đoàn nhân đạo với điều kiện một phái bộ quốc tế như vậy phải phi vũ trang và nhập cảnh vào Ukraine qua các cửa khẩu biên giới do Kiev kiểm soát, đồng thời phải được binh sỹ nước này tháp tùng để đảm bảo an toàn.
Trước đó, ngày 4/8, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã gửi yêu cầu chính thức lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hội đồng châu Âu và ICRC với yêu cầu tổ chức sứ mệnh nhân đạo tới khu vực Đông-Nam Ukranie. Tuy nhiên, hiện chỉ có ICRC ủng hộ sáng kiến trên.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho biết tình hình nhân đạo nghiêm trọng này cũng đã được ông thảo luận với người đồng cấp các nước Ukraine, Mỹ, Anh, cùng với lãnh đạo ICRC và các đồng nghiệp khác.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ khi chính quyền Ukraine tiến hành chiến dịch quân sự chống lại phe đòi liên bang hóa đến nay đã có 1.367 người thiệt mạng, 4.087 người bị thương, trong đó có 2589 dân thường bao gồm 29 trẻ em. Số người dân phải đi sơ tán trong nước Ukraine đã lên đến 117.000 người, hơn 168.000 người di tản sang Nga.
Hiện còn khoảng 3,9 triệu người đang sống trong vùng chiến sự, 200.000 người không có nước sạch. Đặc biệt đáng lo ngại là tình hình chăm sóc sức khỏe của những người này khi có đến 70% nhân viên y tế trong vùng đã đi sơ tán.