Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - tình hình nguy cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm mạnh đang gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Nga vốn dựa nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Ảnh: REUTERS

Bất chấp việc Ngân hàng T.Ư Nga (CBRF) tăng mạnh lãi suất lên 17% để giữ chân nhà đầu tư, đồng rub hôm 17/12 vẫn giảm 11% so với đồng USD, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. 

Mặc dù dự trữ ngoại hối sau thời gian dài tích lũy nhờ giá dầu tăng cao nhưng khả năng Nga phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ và suy thoái là rất lớn khi đồng rub đã mất khoảng 60% giá trị từ đầu năm đến nay. Biến động của đồng nội tệ Nga phản ánh sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư cũng như các sức ép khó có thể vượt qua được từ giá dầu và tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt.

 
Giá dầu giảm mạnh đang gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Nga vốn dựa nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Ảnh: REUTERS
Kinhtedothi - Giá dầu giảm mạnh đang gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Nga vốn dựa nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Ảnh: REUTERS
Nếu không nhanh chóng giải quyết “tình hình nguy cấp” này, Tổng thống Vladimir Putin – người vừa được bầu chọn là “Nhân vật của năm” lần thứ 15 liên tiếp sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi 2 trụ cột quyền lực là ổn định tài chính và sự thịnh vượng của quốc gia. Kể từ khi thực hiện bước đi táo bạo là sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 đến nay, ông Putin luôn nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục là trên 80%. Nhưng nếu kinh tế tiếp tục ảm đạm như hiện nay, không ai dám chắc tỷ lệ người từng ủng hộ ông sẽ giảm xuống còn bao nhiêu. Điều đáng nói là các lựa chọn hành động để tháo gỡ thế bế tắc của Nga đang bị hạn chế bởi song hành với việc tăng lãi suất cơ bản lên mức kỷ lục, các ngân hàng của nước này sẽ phải đối mặt với các khoản nợ lên tới 120 tỷ USD trong năm tới. Vì thế, rất ít người tin rằng, cam kết “đảm bảo cán cân cung cầu trên thị trường mua bán ngoại tệ trong nước” của Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev sẽ phát huy hiệu quả do khó hút được vàng và ngoại tệ từ các nhà đầu tư để “đẩy giá” đồng rub. Đó là chưa kể đến tác động từ khả năng dầu có thể xuống dưới mức 40 USD/thùng và phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt mới.

Trước tình thế nguy cấp của kinh tế Nga, phương Tây dường như nhận ra Moscow đang ở trong giai đoạn dễ bị tổn thương nhất nên không ngần ngại gia tăng áp lực để đạt được mục tiêu trong vấn đề liên quan đến Ukraine. Bất chấp các cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao Nga – Mỹ đã vượt quá con số 15 trong vòng một năm qua nhằm thu hẹp khoảng cách bất đồng, Nhà Trắng vẫn khẳng định Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký dự luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào cuối tuần này. Đặc biệt, sau các cuộc điện đàm liên tiếp trong 2 ngày qua với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, ông Putin dường như vẫn chưa thuyết phục được các nhà lãnh đạo phương Tây về thiện chí của Nga. Thậm chí, quyết định cấm mọi hình thức đầu tư vào Crimea để tăng cường sức ép đối với chính quyền Moscow sẽ được 28 nước thành viên EU thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay (18/12) tại Brussels (Bỉ).

Vậy là cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ đẩy quan hệ Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất, mà còn là tác nhân khiến Moscow phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có từ khó khăn kinh tế. Điều này khiến cơ hội khép lại hồ sơ Ukraine trở nên mong manh hơn bởi rất khó tìm được sự dung hòa lợi ích về chính trị, ngoại giao và kinh tế giữa tất cả các bên.