Vào tháng 5, Nga đã vượt qua Mỹ về lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu - lần đầu tiên sau hai năm kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát. Đáng chú ý hơn, điều này xảy ra bất chấp những nỗ lực của châu Âu nhằm hạn chế nhập khẩu nguồn nhiên liệu hóa thạch của Moscow.
Tình trạng này cho thấy "lục địa già" vẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung khí đốt từ Nga, đặc biệt là các nước Đông Âu.
Tom Marzec-Manser, chuyên gia tại công ty tư vấn ICIS cho biết: “Thật bất ngờ khi thị phần khí đốt của Nga ở châu Âu tăng lên đáng kể bất chấp mọi nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ quốc gia này”.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, châu Âu đã cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga thông qua các đường ống dẫn và thay thế bằng nguồn khí tự nhiên hóa lỏng LNG cũng như khí đốt từ Mỹ.
Vào tháng 9/2023, Mỹ đã vượt Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu. Kể từ năm 2023, khí đốt và LNG của Washington chiếm đến 1/5 nguồn cung năng lượng của châu Âu.
Tuy nhiên, dữ liệu của ICIS cho thấy vào tháng trước, lượng khí đốt và LNG do Nga cung cấp chiếm 15% tổng nguồn cung sang EU, Anh, Thụy Sĩ, Serbia, Bosnia và Herzegovina và Bắc Macedonia. Theo dữ liệu, LNG từ Mỹ chỉ chiếm 14% nguồn cung của khu vực này, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Điều này chủ yếu là do nhiều nước tại châu Âu vẫn nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh hạn chế từ phương Tây. Dù đã ngừng vận chuyển khí đốt đến các quốc gia Tây Bắc Âu kể từ giữa năm 2022, Nga vẫn duy trì việc cấp năng lượng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ giảm đi đáng kể do sự cố ngừng hoạt động tại một cơ sở xuất khẩu LNG lớn của nước này
Tuy nhiên, ông Marzec-Manser của ICIS cho biết tình trạng này sẽ không kéo dài do việc Nga đang ưu tiên cung cấp LNG và khí đốt cho thị trường châu Á sẽ dẫn đến suy giảm sản lượng xuất khẩu đến châu Âu. Chuyên gia khẳng định sản lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ đang trên đà tăng trở lại.
Bên cạnh đó, thỏa thuận quá cảnh khí đốt giữa Ukraine và Nga - Moscow trả tiền cho Kiev để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua mạng lưới đường ống của nước này - sắp hết hạn trong năm nay, gây ra ảnh hưởng đáng kể đến các dòng hàng đi qua tuyến đường này.
Bên cạnh đó, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, Ủy ban Châu Âu tích cực thúc đẩy kế hoạch mở rộng công suất các đường ống tại Hành lang Khí đốt phía Nam giữa châu Âu và Azerbaijan.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của EU cho biết nguồn cung cấp qua tuyến đường này không đủ để thay thế 14 tỷ mét khối khí đốt của Nga hiện đang di chuyển trong các đường ống của Ukraine đến EU mỗi năm.
Ủy viên châu Âu về năng lượng Kadri Simson nêu bật những thách thức mà châu Âu phải đối mặt khi Nga chuyển hướng sang cung cấp LNG cho các nước châu Á.
Bà cho biết Tokyo và Brussels đã thiết lập một hệ thống cảnh báo về tình trạng thiếu LNG cũng như nhất trí theo đuổi các biện pháp tiết kiệm năng lượng.