KTĐT - "Để không bị đứt gánh giữa đường ở trường quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Mà dạo này tình hình kinh tế khó khăn quá, nhắm không thể kham nổi khoản đầu tư khổng lồ cho con học hết chương trình nên sau một thời gian dài đắn đo, vợ chồng tôi quyết định xin cho con ra khỏi trường", anh Thành kể.
Sau 2 năm 'gồng mình' cho con theo học trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương, đầu năm học vừa qua anh Thành đành ngậm ngùi xin rút hồ sơ chuyển trường cho cu cậu bởi gánh nặng học phí ngày càng cao.
Mặc dù kinh tế gia đình thuộc hàng khá giả, vợ làm chủ quán cà phê lớn, chồng quản lý đầu kéo container với mức thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng, song anh Thành, ở quận Gò Vấp, TP HCM, vẫn đau đầu với nỗi lo khoản học phí "kếch xù" gần 100 triệu đồng mỗi năm cho đứa con thứ út học lớp 8.
"Để không bị đứt gánh giữa đường ở trường quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Mà dạo này tình hình kinh tế khó khăn quá, nhắm không thể kham nổi khoản đầu tư khổng lồ cho con học hết chương trình nên sau một thời gian dài đắn đo, vợ chồng tôi quyết định xin cho con ra khỏi trường", anh Thành kể.
Mặc dù tiếc cho vốn tiếng Anh của con có được từ ngôi trường quốc tế, song người cha này không còn cách lựa chọn khác. "Tôi đắn đo mãi mới quyết định bởi không thể chậm hơn được. Tôi hiểu, nếu không thể theo được đến cùng thì thà rút sớm chứ để vài năm nữa mới xin ra thì con mình sẽ không thể theo kịp các bạn ở trường mới", anh băn khoăn.
Hiện nay anh Thành đã xin cho con học ở một trường công gần nhà rồi học thêm Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ với hy vọng sẽ nhẹ bớt gánh nặng học phí. Mặc dù thời gian đầu, con của anh cũng bị đuối sức, song sau 2 tháng miệt mài, em đã dần đuổi kịp các bạn trong lớp.
"Thôi thì giờ hy vọng vào thái độ học hành của cháu. Nếu sau này nó có ý định đi du học mà kinh tế gia đình khá hơn thì tôi sẽ đầu tư cho cháu. Tôi thấy có nhiều học sinh xuất thân từ những trường bình thường ở Việt Nam nhưng học giỏi rồi giành được học bổng qua nước ngoài học vẫn thành danh đấy thôi", người cha đầu 2 thứ tóc chia sẻ.
Có mặt tại trường tiểu học dân lập Quốc tế, quận 1, một ngày cuối tháng 7, chị Thường, cán bộ đoàn quận Thủ Đức đang làm đơn xin chuyển trường cho đứa con vừa học hết lớp một cũng chỉ vì gánh nặng học phí .
Chị cho biết, ban đầu dự định cho con học trường quốc tế để có nền tảng ngoại ngữ sau này đi du học nên đã bán đi mảnh đất hương hỏa để dành lo cho con. Tuy nhiên khoản học phí, cộng thêm tiền xe đưa rước mỗi tháng ngót 6,5 triệu đồng đã khiến vợ chồng chị phải suy nghĩ lại.
“Số tiền này gấp 10 lần mức mà tôi phải chi cho đứa con đầu đang theo học tại một trường công gần nhà. Đã vậy nghe nói năm nay sẽ tăng nữa nên tôi đành phải rút đơn xin cho cháu về học trường ngoài. Chứ cứ nhắm mắt cho con theo hết 12 năm trường quốc tế thì tôi phải bán nhà luôn quá”, người mẹ trẻ tiếc nuối.
Nỗi lo học phí trường quốc tế cũng đang là chủ đề được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn hiện nay. Ngoài ra, các phụ huynh có con đang theo học ở đây còn tỏ ra không mấy hài lòng về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, vệ sinh thực phẩm..., khác với những tiêu chuẩn nhà trường đã thông báo hồi đầu.
"Thiệt tình mình bối rối trong chuyện cho con học trường nào. Muốn cho học trường quốc tế nhưng học phí cao, sợ những năm lớn hơn, mình lo không nổi thì tội con. Có suất học trường công Hòa Bình, quận 1, thì không muốn học. Ôi trời! Con còn nhỏ thì lo nó uống sữa, ăn ngủ đỡ khổ hơn lo chuyện học hành", một phụ huynh than thở trên diễn đàn.
Nhìn nhận vấn đề học phí tại các trường này, thầy Sơn, giáo viên một trường tiểu học quốc tế tại TP HCM góp ý: "Nếu còn do dự khoản học phí thì phụ huynh không nên cho con học ở đây. Đừng để đến lúc 'đuối' mới rút thì đổ hết công sức xuống sông xuống biển. Bởi chương trình học ở trường quốc tế nhẹ hơn nhiều nên khi quay trở lại môi trường học cũ, trẻ sẽ có cảm giác bị mất căn bản. Thường sau đó các em này rất chật vật để đuổi kịp bạn bè".
Thầy Sơn khẳng định, một đứa trẻ đã giỏi thì học trường nào cũng giỏi. Sở dĩ học sinh trường quốc tế có khả năng nói tiếng Anh 'như gió' là vì thời lượng dành để học Anh văn ở đây gấp 10 lần so với bên ngoài, cộng với môi trường toàn người nước ngoài thì học giỏi ngoại ngữ là điều đương nhiên. "Cha mẹ không nên vì tiếng tăm của trường quốc tế mà cho con học bằng bất kỳ giá nào để cuối cùng phải đứt gánh giữa đường vì không kham nổi khoản học phí đắt đỏ", thầy nói.
Trao đổi với PV, đại diện một trường quốc tế có tiếng tại TP HCM cho biết, mức học phí năm nay của trường tăng khoảng 10% so với năm trước. Cụ thể với khối mẫu giáo sẽ là 5,4 triệu đồng một tháng; tiểu học khoảng 6 triệu đồng; trung học từ 8,2-9,8 triệu đồng một tháng. Số tiền trên sẽ được thanh toán làm 4 đợt trong năm.
Ngoài ra nhà trường còn có xe đưa rước học sinh với mức phí căn cứ theo địa bàn. Theo bảng niêm yết thì mức giá dành cho địa bàn nội ô thành phố khoảng 2 triệu đồng một tháng và 3,5 triệu đồng trở lên với vùng ngoại thành.
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, trường tiểu học Dân lập Quốc tế, quận 1, cũng cho biết, học phí năm nay của trường tăng từ 100-200 nghìn đồng. Cụ thể học phí trung bình đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 khoảng 3,5 triệu đồng một tháng; 5,7 triệu đồng mỗi tháng với lớp 4 và 5.
Theo cô Oanh thì mức học phí của trường này tương đối "mềm" so với các trường quốc tế trong nước. "Mặc dù so với trường công thì số tiền học phí này cao gấp nhiều lần nhưng nếu xét về chất lượng giảng dạy thì không mắc so với nhiều trường quốc tế khác. Nếu cha mẹ muốn cho con đi du học thì nên đầu tư ngay từ bây giờ bởi ngoài chương trình học do Bộ Giáo dục quy định, các em còn được học tiếng Anh với người nước ngoài và các chương trình học tiên tiến giúp trẻ làm quen với môi trường giáo dục quốc tế", cô khẳng định.