Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn chiếm đoạt ngân sách từ hoàn thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình vi phạm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) ngày càng nghiêm trọng, Bộ Tài chính vừa yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm tra chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT, trong đó giao chỉ tiêu cho ngành thuế không được hoàn thuế GTGT vượt quá số tiền 17.000 tỷ đồng trong quý II/2014.

Số lượng hoàn thuế tăng cao

Việc cơ quan thuế đưa ra yêu cầu trên là động thái nhằm siết chặt công tác quản lý hoàn thuế để ngăn chặn các trường hợp doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách này trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách đang diễn biến phức tạp.Theo Tổng cục Thuế, năm 2013, có rất nhiều DN được cơ quan thuế các cấp tiến hành hoàn thuế GTGT với tổng số tiền ước tính 91.482 tỷ đồng, bằng 102,7% so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2014, dự toán dành cho Quỹ hoàn thuế GTGT là 71.213 tỷ đồng. Trong đó, quý I/2014, số tiền hoàn thuế GTGT đạt 18.000 tỷ đồng, chủ yếu hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu và hoàn thuế dự án đầu tư mới. Việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định về công tác hoàn thuế đã tạo điều kiện cho DN quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, bên cạnh các DN làm ăn chân chính, cũng đã xuất hiện nhiều DN tìm mọi sơ hở và cách thức chiếm đoạt nguồn tiền từ hoàn thuế GTGT, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

 
Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Cục Thuế Hà Nội,  phố Nguyên Hồng. 	Ảnh: Hải Linh
Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Cục Thuế Hà Nội, phố Nguyên Hồng. Ảnh: Hải Linh

Theo quy định của Luật Thuế GTGT, tùy theo từng lô hàng và đặc điểm hoạt động của DN mà mức hoàn thuế có thể là 5%, 10% giá trị lô hàng. Chính vì vậy, nhiều DN xuất khẩu đã lợi dụng chính sách hoàn thuế để thực hiện các thủ đoạn như khai tăng về khối lượng hoặc giá bán của hàng xuất khẩu nhằm hưởng khống phần tiền hoàn thuế. Để thực hiện trót lọt việc rút tiền hoàn thuế, tội phạm trong lĩnh vực này tạo dựng nguồn hàng hóa khống bằng cách kê khai các điểm mua bán hàng hoá không có thật, sử dụng hoá đơn mua trôi nổi, lập các hợp đồng mua bán nội địa khống...

Bộ Tài chính cho biết, năm 2013, cơ quan tài chính đã chuyển hồ sơ của 133 DN có dấu hiệu vi phạm hình sự hoàn thuế GTGT sang cơ quan chức năng, trong đó đã tiến hành khởi tố 17 DN, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm pháp luật hoàn thuế GTGT với số tiền chiếm đoạt rất lớn. Riêng 7 đối tượng liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT tại An Giang đã có tổng giá trị xuất khẩu khống hơn 1.100 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Phối hợp đồng bộ

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống vi phạm quản lý thuế GTGT do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng ban, quyết tâm tập trung đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế GTGT. Năm 2014, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thuế, phấn đấu kiểm tra, thanh tra được ít nhất gần 15% tổng số DN, đặc biệt là các DN có số tiền hoàn thuế lớn. Cùng với đó, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế đã giao hạn mức chi hoàn thuế GTGT cho các cục thuế địa phương và yêu cầu phải thực hiện đảm bảo chi hoàn thuế GTGT chặt chẽ, đúng quy định và trong hạn mức được giao.

Các cơ quan chức năng đã siết chặt công tác quản lý thuế, xuất nhập khẩu dù biết rằng có thể sẽ gây tốn kém không nhỏ cho cơ quan thuế cũng như ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính. Trưởng phòng Hỗ trợ tuyên tuyền người nộp thuế Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, năm 2013, riêng chi phí điều tra, xác minh lại hóa đơn của Cục Thuế đã tốn kém khá nhiều. Biết điểm yếu này, nhiều DN trong đường dây mua bán hóa đơn thường thay đổi địa điểm kinh doanh tại các địa bàn khác nhau nhằm tránh sự theo dõi, giám sát của cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Đỗ Kim - Phó Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc siết chặt thủ tục hoàn thuế GTGT chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn có những diễn biến phức tạp về hoàn thuế. Về lâu dài cần có sự hợp tác thông tin thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan  thuế, công an, hải quan và các DN  xuất nhập khẩu để kịp thời phát hiện nghi vấn, đưa ra biện pháp xử lý trong việc trốn thuế.

 
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong 3 tháng đầu năm, cơ quan này đã thanh kiểm tra tại 2.899 DN với số thuế truy thu và phạt 1.072 tỷ đồng, tăng gần 44% so cùng kỳ. Trong năm 2013, có 13 bị truy thu thuế thu nhập DN 187 tỷ đồng.