Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Đâu là giải pháp căn cơ?

Lâm Nguyễn - Ngọc Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi lan rộng ra 5 quận, huyện, trong 3 ngày qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng khi toàn TP chưa ghi nhận thêm bất cứ ổ dịch nào. Dù vậy, nguy cơ lây lan bệnh dịch được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Lập hàng rào chống dịch
Hơn hai tuần nay, anh Phùng Văn Hiển, thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, Ba Vì như ngồi trên đống lửa vì thông tin dịch tả lợn châu Phi liên tục lan rộng. Hiện gia đình anh đang chăn nuôi 170 lợn nái và hơn 500 lợn thịt.
 Hộ gia đình anh Phùng Huy Cường, Vật Lại, Ba Vì lập hàng rào chắn trước cổng ra vào trại. Ảnh: Ngọc Nga
Hàng ngày anh theo dõi rất sát tình hình dịch trên báo đài. Ngoài việc tiêm đầy đủ vaccine, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn lợn, gia đình anh còn thực hiện phương châm “ngoại bất nhập”, đồng thời lập hàng rào và treo biển cấm ra vào trại. Anh Hiển cho biết, nếu như trước kia trung bình cứ 3 ngày anh rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng một lần, thì nay ngày nào anh cũng thực hiện.
Tương tự, tại HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cũng thực hiện nghiêm ngặt các bước ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, trang trại đã thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “ngoại bất nhập”.
Đối với phương tiện đến giao thức ăn, thu mua lợn đều phải đỗ cách trại 1km và được phun sát trùng. Đối với hàng hóa, dụng cụ cũng được sát trùng kỹ trước khi nhập vào trại. Riêng người đến giao dịch mua bán chỉ được tiếp đón ở khu vực phòng khách cách ly khu chuồng nuôi, song đều phải tuân thủ các bước thay trang phục bảo hộ và đi qua phòng sát trùng.
Đặc biệt, công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện “4 tại chỗ” (ăn, ngủ, vệ sinh, lao động) để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch từ nhiều nguồn. “Do đặc thù là chuồng nuôi kín nên chúng tôi phải hòa thuốc khử trùng CloraminB hoặc Virkon vào nước, sau đó phun chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày”.
Thay đổi phương thức chăn nuôi
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP đến nay đã phát hiện 7 ổ dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, huyện Gia Lâm có 3 ổ dịch tại các xã: Dương Quang, Phú Thị, Kim Sơn. Trong khi các quận, huyện: Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh và Sóc Sơn – mỗi địa phương có 1 ổ dịch. Có một điểm chung đáng chú ý tại các ổ dịch được phát hiện đến nay, đó là các ổ dịch đều phát sinh tại các hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán.
Trong số 7 ổ dịch, gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) có tổng đàn lợn lớn nhất với 45 con. Đây là mô hình chăn nuôi lẻ ngoài bãi sông, nhưng nằm không xa khu dân cư. Trong khi đó, 6 ổ dịch còn lại thậm chí còn có quy mô nhỏ lẻ hơn với tổng số lợn bị tiêu hủy chỉ từ 2 con (tại ổ dịch ở xã Phú Thị) cho đến 29 con (tại ổ dịch thuộc xã Dương Quang).
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc dịch tả lợn châu Phi được phát hiện 100% tại các hộ dân, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán cho thấy, phương thức chăn nuôi truyền thống mang tới nhiều rủi ro về bệnh dịch.
Hiện, TP Hà Nội có tổng đàn lợn khoảng 2 triệu con, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ tới 60%. Chăn nuôi phân tán cũng là điều kiện phát sinh tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, khiến công tác kiểm soát bệnh dịch nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng thêm phần khó khăn hơn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi lan rộng, các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, đẩy mạnh quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Đặc biệt, cần khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thịt lợn, cũng như các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Đăng, đây có thể xem là nhóm giải pháp căn cơ giúp bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn cho thị trường Hà Nội thời gian tới, cũng như ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm, lây lan bệnh dịch nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng về lâu dài.

Thực tế những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung xa khu dân cư. Nhưng dù cho đến nay, toàn TP đã có 283 công ty, xí nghiệp, DN, hợp tác xã... tham gia vào ngành chăn nuôi lợn, thì tổng đàn lợn cũng mới chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn là khoảng 22%.