Phong bì, lót tay... trở thành văn hoá xấu xí của người Việt
Đa số ý kiến đại biểu đánh giá, 2018 là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác này hiện chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng.
Đại biểu cho biết, ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.
Những lĩnh vực điển hình để xảy ra tình trạng này, theo đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Phúc như: Y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức...
Theo đại biểu, tham nhũng vặt ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập... Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.
Cùng chung nhận định, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, đây là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa hiện rõ.
Đại biểu nêu câu hỏi: Cũng như tại kỳ họp này, có đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, hay vụ đổi 100 USD tại tiệm vàng cũng nhìn thấy nhưng nhà cao tầng, biệt thự, biệt phủ xây trái phép nhan nhản không ai thấy?
Vị đại biểu tỉnh Tiền Giang khẳng định đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, vấn nạn tham nhũng vặt là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Để xử lý loại tội phạm này không dễ do diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen và thực sự trở thành nét văn hoá xấu xí của người Việt.
"Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền", nữ đại biểu đoàn Đồng Tháp lưu ý.
Từ thực tiễn đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc. Các đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Tình hình tội phạm ngày càng phức tạp
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) bày tỏ lo lắng khi các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ phạm tội trong độ tuổi thanh thiếu niên, tội hiếp dâm trẻ em trên 30%. Theo đại biểu, thanh thiếu niên được xem là rường cột của nước nhà nên tăng trên 30% là đáng quan ngại.
Đáng lưu ý là trong tổng số đối tượng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì 60% ở tuổi 16 - 18, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân hơn 21% trong đó là những người các em rất tin tưởng.
Về nguyên nhân, đại biểu cho rằng có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế là một số cấp uỷ chính quyền, cơ quan ban ngành có quan tâm nhưng chưa quyết tâm quyết liệt. Cơ quan chức năng có làm, có hành động nhưng chưa đồng bộ, chưa thành phong trào xu thế. Còn nhiều người, tổ chức bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ đó, đại biểu đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em để tuổi trẻ phát triển lành mạnh, để trẻ em vô tư trong sáng trong quá trình phát triển.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dành nhiều quan tâm đến lạo hình tội phạm công nghệ cao.
Theo bà Thủy, ngân hàng tưởng chừng như là nơi gửi, giữ tiền một cách an toàn nhất, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và 1.967 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Hậu quả của tội phạm này gây ra thường trên một diện rộng và rất nghiêm trọng.
Đối với các vụ tiền ảo, các đối tượng đã lập ra rất nhiều sàn giao dịch, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền thu được của người tham gia trước để trả cho người tham gia sau. Khi đã thu được một lượng lớn tiền thì đánh sập mạng và biến mất khỏi Việt Nam.
"Hầu hết các đối tượng phạm tội này đều am hiểu công nghệ thông tin, các đối tượng không chỉ biết dùng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội mà còn biết dùng công nghệ để xóa dấu vết, chống phát hiện. Đặc biệt, nhiều dữ liệu được lưu trữ ở máy chủ nước ngoài nên đặt ra rất nhiều thách thức đối với các cơ quan tố tụng", đại biểu Thủy băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, tình hình tội phạm hiện đang diễn ra phức tạp, công khai. Đại biểu kể lại việc một cô giáo ở Sài Gòn viết đơn gửi xã hội đen xin tha cho gia đình để chị được yên ổn dạy học... hay tình trạng bảo kê cho tội phạm ở bệnh viện, bến xe… kéo dài nhiều năm không được phát hiện xử lý.