Nhận định này được cơ quan quản lý Nhà nước, thành viên thị trường đưa ra tại Hội nghị phổ biến pháp luật về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành năm 2012, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
Theo đó, các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản, thời hạn báo cáo tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch.
Với sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý ngăn chặn nguy cơ rửa tiền, đặc biệt là rửa tiền qua hình thức giao dịch chứng khoán, tháng 2-2014, tại Hội nghị toàn thể Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thiếu hụt nghiêm trọng cơ chế về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. “Do đó, Việt Nam sẽ không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố”- Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thị Liên Hoa cho hay.
Để chính sách tiếp tục phù hợp với yêu cầu phát triển, về phía Bộ Tài chính đã tính đến việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24-9-2010 hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng, tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền.
Tuy nhiên, vẫn đảm bảo nguyên tắc không nhằm mục đích can thiệp vào hoạt động đầu tư chứng khoán mà chỉ là các hướng dẫn nghiệp vụ việc phòng, chống hành vi rửa tiền thông qua hoạt động đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng. Đồng thời, không tạo ra nhiều gánh nặng về chi phí và nguồn lực cho công ty chứng khoán.
Cách đây không lâu, khi bàn về tác động và cơ chế thực hiện của Thông 148, luật sư Hoàng Văn Dũng của Công ty luật Bross & Partners tại Việt Nam cho rằng, hiện hầu hết các công ty chứng khoán đều có đầy đủ các biểu mẫu và hệ thống kế toán ghi nhận giao dịch.
Thậm chí, nhiều công ty có hệ thống ghi nhận giao dịch tương đương với các ngân hàng về biểu mẫu, chế độ kế toán, hạ tầng công nghệ thông tin. Như vậy, việc cần thiết phải làm là xây dựng cơ chế lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục có chủ ý, và xây dựng báo cáo tự động có thể báo cáo kịp thời trong nội bộ và cho cơ quan quản lý.
Ngoài ra, cần phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Các công ty chứng khoán phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc không tiết lộ cho khách hàng về việc báo cáo giao dịch nhằm tránh khả năng giúp người rửa tiền có thể có cách trốn tránh hoặc gây hoang mang cho các khách hàng không có mục đích rửa tiền.