Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng cấp tập thoái vốn

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong tuần đầu tháng 11, liên tiếp nhiều cuộc thoái vốn của các ngân hàng tại DN đầu tư ngoài ngành hoặc thoái vốn để giảm sở hữu chéo.

Đa số DN được các ngân hàng thoái vốn đều là DN có doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn, một số chỉ tiêu kinh doanh có xu hướng xấu đi.

Một ngày, 3 cuộc ngân hàng thoái vốn

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 20/11 tới đây, có 2 ngân hàng thương mại bán đấu giá cổ phần vốn góp tại các công ty xi măng và bất động sản. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ bán đấu giá phần vốn góp 66 tỷ đồng (6,6 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 10,9% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính CP Xi măng (CFC) với mức giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần. Cùng ngày, Vietcombank cũng bán đấu giá phần vốn góp 132,5 tỷ đồng (13,25 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 4,3% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần.

Khách hàng giao dịch tại OceanBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Ngoài Vietcombank, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) sẽ bán đấu giá phần vốn góp 40 tỷ đồng (4 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 8% lượng cổ phiếu đang lưu hành tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam với mức giá khởi điểm 10.638 đồng/cổ phần.

Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã cấp tập lên kế hoạch thoái vốn. Giữa năm 2016, SeaABank cũng đăng ký bán 416.300 cổ phiếu Công ty CP Xăng dầu dầu khí Nam Định (PND), tương đương tỷ lệ 6,24% do ông Đặng Tùng Sơn - Thành viên Ban kiểm soát tại PND làm người đại diện phần vốn góp. Trước đó, đại diện MB cũng cho hay, ngân hàng này sẽ hoàn tất thoái vốn tại MBLand trong năm 2017 theo từng đợt hoặc thoái toàn bộ theo diễn biến thị trường.

“Soi” hiệu quả đầu tư

Việc các ngân hàng cấp tập thoái vốn trước hết là nhằm tuân thủ Thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, có thể thấy, hiệu quả đầu tư của các khoản vốn góp của ngân hàng vào các DN được thoái vốn cũng không khả quan. Tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG), lợi nhuận 2 năm gần đây hết sức khiêm tốn, năm sau sụt giảm hơn năm trước. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của PV-SSG giảm gần một nửa, từ mức 58 triệu đồng năm 2015 xuống 30 triệu đồng, doanh thu thuần khiêm tốn ở mức 3 tỷ đồng. Năm 2017, DN này dự kiến tiếp tục không chia cổ tức. Hiện, cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối của PV-SSG là Công ty CP Tập đoàn SSG với 81,2%, các cổ đông nắm giữ trên 5% gồm Ngân hàng Oceanbank (8%), Công ty CP Hạ tầng FECON (6%).

Tương tự, tại Công ty Tài chính CP Xi măng (CFC), nhiều năm liền, các cổ đông không được chia cổ tức. Năm 2008, DN này thành lập với 3 cổ đông sáng lập chiếm 61% vốn điều lệ là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Vietcombank và Tổng Công ty Thép Việt Nam. CFC đã tăng vốn điều lệ lên 604,9 tỷ đồng vào năm 2010. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của CFC giảm 88,98% so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 32% so với năm 2016.

Khả quan hơn là khoản vốn góp 132,5 tỷ đồng của Vietcombank, tương đương 4,3% vốn điều lệ tại SaigonBank. Lợi nhuận sau thuế của SaigonBank năm 2016 tăng trưởng khá tốt so với năm 2015 với mức tăng trưởng đạt 223,3%. Lợi nhuận sau thuế của 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã đạt gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm của SaigonBank là nợ xấu. Tính đến 30/9/2017, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn của Saigonbank cao hơn so với cuối năm 2016, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,63% lên 2,75%, khá sát mức trần 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn của DN nói chung và ngân hàng nói riêng còn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của mỗi DN. DN sẽ thoái vốn khi đầu tư không hiệu quả hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh.