Ngân hàng chạy đua tăng vốn “khủng”cuối năm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt ngân hàng thương mại đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thời gian qua. Diễn biến thị trường cho thấy, mục tiêu tăng vốn vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của nhiều ngân hàng năm tới.

Bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ

Ngày 19/10/2022, NHNN Việt Nam đã có văn bản số 7343/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank). Hiện vốn điều lệ của ABBank là 9.409 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên 10.040 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngoài ABBank, ngày 17/10/2022, NHNN cũng đã có văn bản số 7266/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB).

Cụ thể, LPB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.255 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tối đa là 2.255 tỷ đồng, và phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 3.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của LPB thông qua tại Nghị quyết ngày 28/4/2022, và Hội đồng quản trị LPB thông qua tại Nghị quyết số 515/2022/NQ-HĐQT ngày 26/9/2022.

Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 15.035 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%.

SHB vừa được NHNN chấp thuận việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022. Theo đó, SHB sẽ chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20 với giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 15%. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi thực hiện 3 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng. Đại diện SHB cho biết, với số vốn tăng thêm ngân hàng sẽ mở rộng quy mô cho vay khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.

Nhiều ngân hàng khác như OCB, HDBank, KienLongBank, Nam A Bank SeABank, Techcombank, ACB, MSB… cũng đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ.

Thống kê sơ bộ trong năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng.

Với khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Áp lực gia tăng, làn sóng tăng vốn còn tiếp diễn

Đến nay, phần lớn ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20 - 40%, thậm chí có nhà băng dự kiến tăng vốn đến 60 - 70%. Các phương án tăng vốn điều lệ được triển khai thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...

Theo chuyên gia tài chính, các phương án tăng vốn theo những hình thức trên đã diễn ra từ nhiều năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc tăng vốn ngày càng mạnh mẽ khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được công bố.

Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ - trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Mặt khác, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ giúp họ củng cố tiềm lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng kế hoạch tăng trưởng trong kinh doanh. Nhất là việc áp dụng theo chuẩn Basel II, Basel III đòi hỏi vốn ngày càng lớn...

Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 vừa công bố, WB nhận xét, dù tỷ lệ CAR của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ lên 11,47% trong quý I/2022 (so với 11,3% trong quý I/2021), cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng vẫn tương đối thấp. Tỷ lệ CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu. Chính vì thế, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh tăng vốn để khắc phục những rủi ro, thêm sức bật cho giai đoạn phát triển mới sau dịch.

Dự báo làn sóng tăng vốn sẽ còn tiếp tục mạnh hơn. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng vốn trong giai đoạn tới. Các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel III, Basel 3,5 đang hình thành chính thức và Basel IV đang được nghiên cứu xây dựng. Dự báo của một số chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 2,3 - 2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1 - 7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tăng vốn cũng trở thành một trong những gánh nặng đối với các ngân hàng khi phải đối diện với áp lực đảm bảo lợi nhuận, chỉ số tài chính cũng phải tăng theo trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

 

Từ nay đến năm 2023, NHNN báo cáo triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước theo đúng quy định.