Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng đồng loạt ra tay cứu nền kinh tế

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để chung tay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, các ngân hàng (NH) đã mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ 0,5 - 4,5%. Đây được xem là cách để các ngân hàng kích cầu tín dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn, tín dụng khó tăng…

San sẻ khó khăn với khách hàng
Mới đây, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các DN lớn, DN vừa và nhỏ và DN siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Theo đó, gói hỗ trợ được áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VNĐ (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%.
Ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ.
HDBank cũng công bố giảm mạnh lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước mà không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid -19.
Các DN rất cần đến sự chung tay hỗ trợ từ các ngân hàng để vượt qua thời điểm khó khăn do dịch Covid -19. Trong ảnh: Giao dịch tại chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước đó, HDBank đã đưa ra gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid -19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho DN cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị, cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs.
Đồng thời, HDBank dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó dịch bệnh; gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước đồng thời tiếp sức cho các DN, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Nam A Bank mới đây cũng tiếp tục thực hiện giảm lãi vay lên đến 2% hiện hành đối với các khách hàng DN vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đồng thời, Nam A Bank tung gói ưu đãi lãi vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 9,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Nam A Bank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay “Happy Finance” từ nay đến 30/6/2020. Chương trình áp dụng đối với các khách hàng cá nhân vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua đất/nhà hoặc xây dựng sửa chữa nhà với lãi suất ưu đãi từ 9,9%/năm, mức vay tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn vay tối thiểu 36 tháng.
Kienlongbank cũng quyết định giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng DN.
Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An), để hỗ trợ kịp thời và cấp bách đến những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Hàng loạt NHTM cổ phần khác cũng đã có các gói hỗ trợ lãi suất lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19.
“Cứu” DN là cứu… chính mình
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế năm nay có nhiều khó khăn và các TCTD cũng gặp khó khăn nên các NHTM cần thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động đầu vào sao cho hợp lý, cùng đồng thuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhưng cũng chính là một cách để cứu các nhà băng thoát khỏi nợ xấu.
Tại VIB, ngoài việc mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu, nhà băng này cũng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi vay cho khách hàng. Đại diện VIB cho biết, sẽ thông báo các chính sách hỗ trợ đến khách hàng, tự động giảm lãi mà không cần DN, khách hàng phải viết đơn xin hỗ trợ hay có bất kỳ một chứng minh về sự khó khăn nào khác…
Tương tự, Vietcombank cho biết đã giải ngân mới hơn 41.000 tỷ đồng, giữ nguyên nhóm nợ trên 8.200 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
“Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Ngoài ra, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho DN và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm, ưu đãi lãi suất cho vay thấp hơn 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng” - đại diện Vietcombank, thông tin.
Trước đó, theo tính toán sơ bộ của Vietcombank, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng trong đợt dịch này khoảng 120.000 tỷ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300 - 450 tỷ đồng. Chưa kể, khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo...
TPBank cũng mới ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng DN vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng DN lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5 - 2,5% so với mức lãi suất hiện hành.
Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 - 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, hiện nay hoạt động của nhiều DN đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.
“Vấn đề hiện tại của cả nền kinh tế, các DN, kể cả ngân hàng… là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả. Đó có thể là trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền cho người lao động, trả tất cả chi phí hoạt động, kể cả trả nợ ngân hàng và thuế…
Trước những gánh nặng như thế, phải bơm thẳng tiền vào cho họ, giúp họ có tính thanh khoản, tức là còn giữ được khả năng trả nợ. Nếu DN họ mất thanh khoản thì sẽ chết ngay, bị đào thải và đi đến phá sản” - ông Hiếu nói.
Do vậy, theo ông Hiếu, các chính sách hỗ trợ của các ngân hàng lúc này cho DN là rất cần thiết, có “cứu” DN thì cũng là giải pháp để cứu chính các ngân hàng.

"Vấn đề hiện tại của cả nền kinh tế, các DN, kể cả ngân hàng… là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả. Đó có thể là trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền cho người lao động, trả tất cả chi phí hoạt động, kể cả trả nợ ngân hàng và thuế…Trước những gánh nặng như thế, phải bơm thẳng tiền vào cho họ, giúp họ có tính thanh khoản, tức là còn giữ được khả năng trả nợ. Nếu DN họ mất thanh khoản thì sẽ chết ngay, bị đào thải và đi đến phá sản" - TS Nguyễn Trí Hiếu