Sự điều chỉnh này được đánh giá là phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong và ngoài nước, đồng thời giành thế chủ động với tỷ giá.
Giải tỏa nhu cầu của thị trường
Theo quyết định của NHNN, từ ngày 7/1, tỷ giá trần các ngân hàng được niêm yết ở mức 21.673 VND/USD. Đầu giờ sáng cùng ngày, biểu tỷ giá đã được các ngân hàng đồng loạt tăng từ 20 - 105 đồng/USD. Giá bán ra của các ngân hàng đều trên 21.500 đồng/USD.
Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank và BIDV là 21.450 - 21.510 đồng/USD, tăng 70 đồng mua vào, 105 đồng bán ra so với ngày 6/1. VietinBank tăng 60 đồng mua vào, 105 đồng bán ra, lên mức 21.440 - 21.510 đồng/USD. Techcombank, Eximbank, DongA Bank cũng tăng từ 20 - 30 đồng/USD so với trước đó…
Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% những ngày đầu quý I là không quá bất ngờ. Trước đó, tỷ giá cũng đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Dựa trên các diễn biến cung - cầu ngoại tệ và kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng đã từng nhận định, tỷ giá dự báo sẽ được NHNN điều chỉnh trong quý I/2015. Ông Hiếu cũng cho rằng, đây là bước đi khôn ngoan để tạo cơ sở bình ổn tỷ giá cho cả năm. “Quý I/2015 điều chỉnh 1% và dự báo giữa năm, NHNN có thể điều chỉnh tiếp 1% còn lại. Mức này là phù hợp, bởi áp lực điều chỉnh tỷ giá cuối năm 2014 đã được NHNN đẩy sang năm 2015. NHNN muốn giữ ổn định cho thị trường, nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu NHNN không giải tỏa được nhu cầu này thì thị trường sẽ tích lại, đến khi bùng phát, NHNN sẽ khó kiểm soát được tỷ giá” - ông Hiếu cảnh báo.
Áp lực với mục tiêu 1% “của để dành”
Như vậy, với mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015, từ nay đến cuối năm, NHNN chỉ còn 1% “của để dành” cho công cụ tỷ giá. Mục tiêu này theo đánh giá của các chuyên gia là khả thi, tuy nhiên sẽ rất khó khăn.
Theo TS Cấn Văn Lực – chuyên gia ngân hàng, có 3 vấn đề cần lưu ý trong điều hành tỷ giá. Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, đồng USD lên giá so với nhiều ngoại tệ khác, trong đó có cả ngoại tệ của những nước cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp đối với Việt Nam. Thứ hai, khả năng năm 2015, khi kinh tế phục hồi trở lại mạnh mẽ hơn thì nhập siêu có thể quay trở lại và đương nhiên tạo ra áp lực nhất định đối với điều hành tỷ giá. Thứ ba, liên quan đến niềm tin của người dân đối với VND và có liên quan một chút đến chênh lệch lãi suất giữa VND so với USD.
Bên cạnh đó, “ẩn số” giá dầu cũng sẽ tác động gián tiếp tới tỷ giá. “Theo Chính phủ, nếu giá dầu giảm 1USD thì cả năm ngân sách mất 1.000 tỷ đồng. Nói như vậy có nghĩa giá dầu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng tới ngân sách, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của Chính phủ. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới tỷ giá” - ông Hiếu bình luận.
Trong bối cảnh hội nhập, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và nhiều nguồn ngoại tệ khác như ODA, kiều hối… là những áp lực đòi hỏi việc điều hành tỷ giá phải linh hoạt, không quá cứng nhắc.
Thị trường ngoại hối trong năm 2015 điều chỉnh không quá 2% là mục tiêu khó khăn khi nhìn dự báo xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%... Bởi vậy, để ổn định tỷ giá trong biên độ đặt ra, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất cao.
Thống đốc NHNN
Nguyễn Văn Bình
|
Hoạt động kiểm tiền tại Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt
|