Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng mở hầu bao với doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ đầu tháng 7, nhiều ngân hàng (NH) giảm mạnh cả lãi suất huy động và cho vay. Đây đã phải là yếu tố để khơi thông dòng tín dụng đang dư thừa?

 Hoạt động nghiệp vụ tại PVcomBank

Lãi suất đồng loạt giảm
Đi đầu đợt giảm lãi suất huy động đợt này là các NH quốc doanh. Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank hạ lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn một năm từ 6,5% xuống 5,8%. Lãi suất kỳ hạn từ 1 - 6 tháng chỉ còn từ 3,7 - 4%, giảm 0,25% (thấp hơn nhiều so với mức trần 4,25%/năm theo quy định của NHNN). Làn sóng giảm lãi suất cũng đồng loạt diễn ra tại các NH thương mại cổ phần (TMCP) như: Techcombank, VPBank, Sacombank, HDBank, VIB, lãi suất cao nhất tại Techcombank chỉ là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và số tiền gửi từ 50 tỷ trở lên; số tiền gửi dưới 1 tỷ mức lãi suất cao nhất chỉ là 5,6%/năm. Còn tại VPBank, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 2/7, mức lãi suất cao nhất áp dụng với tiền gửi tiết kiệm thường dành cho số tiền gửi dưới 300 triệu đồng chỉ còn 6%/năm; với số tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên là 6,5%/năm. Tại các NHTM khác, lãi suất huy động cũng cũng được đồng loạt điều chỉnh từ đầu tháng 7 với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, một số nơi giảm trên dưới 0,5 điểm %.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động của các NH giảm mạnh là do thanh khoản của các NHTM đang khá dồi dào. Không chỉ lãi suất trên thị trường dân cư giảm mà lãi suất liên NH cũng đang duy trì ở mặt bằng khá thấp 0,2%, nhất là với kỳ hạn ngắn đã tiệm cận 0%/năm, thấp nhất trong 10 năm qua.
Lãi suất huy động giảm, các NH có thêm dư địa để hạ tiếp lãi suất cho vay. Cụ thể, BIDV thông báo giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay từ 1/7. Kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5 - 3,0%/năm so thời điểm truớc dịch Covid-19. Agribank cũng thông báo giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay từ ngày 30/6, giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ABBank lần thứ 3 giảm lãi suất gói vay cá nhân xuống còn từ 6,8%/năm… Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6 - 8%/năm với cho vay ngắn hạn; 9 -11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Các NHTM dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trong thời gian tới nhằm tăng mạnh dư nợ tín dụng, kích thích kinh tế tăng trưởng.
Tín dụng vẫn ì ạch
Theo thống kê của NHNN, đến ngày 29/6 tín dụng toàn hệ thống mới tăng 3,26%, chưa bằng một nửa so với năm 2019, dù các NH đã tung ra nhiều gói hỗ trợ. Theo các NH, tình trạng chung hiện nay đang dư tiền vì huy động nhiều mà chưa cho vay được. Thậm chí có những gói NH đã triển khai nhưng khó giải ngân sau dịch vì nhu cầu vốn của khách hàng chưa có.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sau thời gian bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu vì dịch Covid-19, hiện nhiều DN đã nối lại được nguồn cung nhưng xuất khẩu chưa thông suốt. Các DN ngành du lịch, hàng không, khách sạn vẫn đang rất khó khăn. Do đó, cần có thêm các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ cả DN và NH. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ TP Hà Nội Trần Đăng Nam chia sẻ, DN vay NH cũng khó tiếp cận, khó có nguồn vay thuận lợi về trung dài hạn, chứ không chỉ là vấn đề lãi suất. Các DN kiến nghị ngành NH nên đẩy mạnh các chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay hơn nữa cũng như tăng cường cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp để đầu tư, tái cơ cấu sản xuất.
NHNN sẽ sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng để nhiều DN có thể được hỗ trợ hơn trong tình hình mới. Cùng với đó là các giải pháp như: Xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các NH; Tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công trọng điểm... Đây sẽ là các giải pháp góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng