Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành: Những tính toán thận trọng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc cắt giảm lãi suất điều hành. Quyết định cắt giảm một loạt mức lãi suất chủ chốt của NHNN được các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) đánh giá là phù hợp, nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SeaBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Giảm 0,25% các lãi suất chủ chốt
Từ 16/9, NHNN áp dụng lãi suất điều hành mới với mức đã giảm đi 0,25%/năm. Theo đó, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Những điều chỉnh của NHNN thời gian gần đây chủ yếu mang tính tín hiệu, thể hiện sự thận trọng với bước điều chỉnh nhỏ. Về cơ bản, lãi suất điều hành giảm sẽ có tác động gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, nhưng không đáng kể. Vì mức độ các tổ chức tín dụng được vay tái cấp vốn từ NHNN là không nhiều, mức giảm lãi suất cũng nhỏ, chỉ 0,25%.

TS Võ Trí Thành

Đây là đợt giảm lãi suất điều hành trung tâm hàng loạt trong vòng hơn hai năm trở lại đây, kể từ đợt gần vào nhất tháng 7/2017. Các công ty chứng khoán nhận định, động thái trên của NHNN nhằm nỗ lực ổn định nền vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do số liệu sản xuất của tháng 8/2019 đã cho thấy một số dấu hiệu suy yếu khi chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) giảm xuống 51,4 (tháng 7 là 52,6), tăng trưởng IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chậm lại. Điều này phù hợp với tình hình thế giới hiện nay khi nhiều nước nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế khi thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, kinh tế thế giới nhiều diễn biến phức tạp.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia Cấn Văn Lực cho biết, không bất ngờ với quyết định của NHNN. Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất; Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp (chỉ số giá tiêu dùng - CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất); Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.
“Nới lỏng” hay chỉ là sự linh hoạt?
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động vẫn có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đã được nhiều ngân hàng đẩy lên kịch trần 5,5%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất lên tới 7,5%/năm. Nhiều ngân hàng đã bắt đầu trả lãi suất tới 8,6% – 8,7%/năm. Thậm chí, các ngân hàng còn chuyển sang đua phát hành giấy tờ có giá để đẩy lãi suất lên cao hơn, tới 10%/năm.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở (OMO) có tác dụng trực tiếp đối với chi phí vay vốn của các thành viên tiếp cận kênh OMO khi nhu cầu vốn mùa cao điểm thanh toán và chi trả đang đến gần. Tuy nhiên, mức giảm 3 loại lãi suất điều hành khá nhỏ chỉ 25 điểm phần trăm cho thấy NHNN khá thận trọng trong việc nới lỏng. Thứ nhất, ở lần cắt giảm này, NHNN không hạ trần lãi suất cho vay cũng như trần lãi suất tiền gửi một số loại, một số nhóm đang áp dụng. Thứ hai, lãi suất OMO giảm sẽ có tác động trực tiếp nhất đến chi phí của các NHTM khi phát sinh nhu cầu vốn cần hỗ trợ, như trong tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua. Thứ ba, các lãi suất điều hành giảm một bước nhẹ, cần thời gian để rút ngắn độ trễ đến thị trường, và hiện tại có giá trị định hướng thị trường và tác động tâm lý.
Bình luận về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, một chuyên gia tài chính cho biết, giảm lãi suất điều hành tại Việt Nam sẽ chưa tác động ngay tới lãi suất thị trường. "Sẽ có tác động tích cực nhưng cũng cần có độ trễ và thẩm thấu dần. Sự thẩm thấu này khả năng sẽ phải đến cuối năm hoặc sang năm" - ông Cấn Văn Lực nhận định.