Dù đã cầu cứu Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước nhưng một số nhà đầu tư vẫn lâm cảnh “thúc thủ vô sách” trước thực tế đói vốn nghiêm trọng.
Chậm vốn - chậm thi công
Sau một thời gian ồ ạt rót vốn cho các dự án BOT hạ tầng giao thông, nhiều ngân hàng thương mại hiện đang trở nên dè dặt, chặt chẽ hơn với những khách hàng nghìn tỷ. Động thái này ngay lập tức khiến một số dự án BOT rơi vào thế bí, điển hình 2 dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 63,86km, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 theo hình thức hợp đồng BOT. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến kéo dài 21 năm. Ban đầu, dự án do liên danh 6 nhà thầu: Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty CP Giao thông xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC thực hiện. Trong tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng của dự án, chủ đầu tư chỉ có 13%, còn lại 87% là vốn vay thương mại. Dự án được động thổ vào tháng 7/2015, nhưng đến thời điểm này, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn chưa thể ký hợp đồng tín dụng với các ngâng hàng thương mại. Mặt khác, liên danh nhà thầu lại sớm phải chứng kiến sự rút lui của Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC. Khó khăn chồng chất khó khăn, nên đến tận tháng 9 vừa qua, dự án mới được "bơm" khoảng 500 tỷ đồng từ vốn riêng của các nhà thầu, xấp xỉ 4,1% tổng mức đầu tư dự kiến. Cũng bởi thiếu tiền nên nhà đầu tư mới chỉ tập trung triển khai thi công nâng cấp QL1; và chắc chắn, dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2018 như tiến độ đề ra. Công ty CP BOT Bắc Giang đã đề xuất Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Chủ đầu tư phải làm việc cụ thể với ngân hàng tham gia tài trợ vốn để được xem xét cho vay theo đúng quy định của pháp luật.
Bấp bênh phương án hoàn vốn
Tương tự là dự án xây dựng tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình dài 32,37km, tổng mức đầu tư 2.180 tỷ đồng. Đại diện Công ty BOT QL6 tiết lộ, tính đến ngày 31/8, tổng số tiền đã giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu và lãi vay phải trả Ngân hàng SHB là 1.276 tỷ đồng. Từ ngày 1/9 đến nay, đơn vị tài trợ vốn là SHB chi nhánh Ba Đình đã tạm dừng giải ngân đối với dự án. Nguyên nhân là do doanh thu thực tế của trạm thu phí QL6 thấp hơn nhiều so với phương án tài chính ban đầu. Theo hợp đồng BOT đã ký, doanh thu thu phí tại trạm QL6, từ ngày 1/8/2015 - 31/7/2016 ước đạt 124 tỷ đồng; và sẽ được sử dụng để đầu tư tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 66,9 tỷ đồng, bằng khoảng 54% phương án tài chính. Con số này đã làm dấy lên lo ngại về phương án hoàn vốn của dự án xây dựng tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, khiến SHB tạm dừng cấp vốn cho dự án này và sẽ chưa cấp trở lại nếu như không đạt được các thỏa thuận với Bộ GTVT về các vấn đề giá vé, phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian xây dựng và thu phí của dự án... Đến nay, dù đã nhiều lần gặp gỡ, thương lượng nhưng giữa SHB và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nguồn vốn thương mại vẫn chưa được giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “cầu cứu” Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp này là bất hợp lý. Một số DN thực hiện dự án BOT giao thông đang muốn “mượn” uy tín của cơ quan quản lý nhà nước để vay tiền ngân hàng. Thực tế, để đầu tư thực hiện các dự án lớn, trước tiên DN phải có tiềm lực, có phương án kinh doanh rõ ràng để thuyết phục ngân hàng rót vốn. Không thể “vẽ” ra miếng bánh BOT hoàn hảo trên giấy rồi mong ngân hàng "bơm" tiền một cách dễ dãi.