Khách hàng tham khảo dịch vụ sản phẩm công nghệ 4.0 do nhân viên VietcomBank giới thiệu. Ảnh: Phạm Hùng |
Các ngân hàng ứng dụng 4.0 đến đâu?
Hiện nay, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngân hàng như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Một cách đơn giản, chỉ cần vài thao tác nhanh gọn trên điện thoại như "chạm" và "quét" hay vài cú click chuột đơn giản trên điện thoại, máy tính, khách hàng có thể dễ dàng tự tay thanh toán mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ nhân viên thu ngân nào, cũng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm...
Hiện đã có nhiều ngân hàng cho ra mắt các tính năng thanh toán điện tử khác nhau như QR-Code hay Samsung Pay để bắt kịp xu thế chung. Hay như khi áp dụng ngân hàng số, việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch sẽ giảm rất mạnh, thậm chí biến mất ở một số khu vực. Giao dịch viên sẽ không còn, nhân viên ngân hàng lúc đó chỉ làm mỗi việc quản trị. Các NHTM áp dụng 4.0 có thể kể đến như TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo; VietinBank với Corebank thế hệ mới hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu DN (EDW) hiện đại; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24/7 trên mạng xã hội; Techcombank với ứng dụng tư vấn tài chính tự động TCWealth, có thể tư vấn, cung ứng dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng... Mới đây nhất, việc chuyển tiền trên bolckchain đã được Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 3 ngân hàng VietinBank – VIB – TPBank thực hiện thành công. “Khi ứng dụng Blockchain vào hoạt động, việc đối chiếu, rà soát mất thời gian như lâu nay sẽ không còn nữa” - Phó Tổng Giám đốc khối kỹ thuật NAPAS Nguyễn Hưng Nguyên cho biết.Khảo sát của công ty tư vấn và phân tích thị trường ORC (Mỹ) cho thấy, từ 2014 - 2017, có khoảng 15 - 20 ngân hàng đã triển khai ngân hàng số. Khoảng 40 công ty fintech (Financial Technology) hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Việc thanh toán qua mã QR gia tăng nhanh chóng, dự báo đến hết năm 2018, sẽ có trên 50.000 điểm thanh toán qua mã QR, so với hơn 8.000 điểm chấp nhận hình thức thanh toán bằng QR Pay vào 12/2017.
Nhân viên VietinBank hướng dẫn cho khách hàng dịch vụ mới tại Triển lãm sản phẩm công nghệ 4.0 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; Đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.
Tại Hội thảo chuyên đề “Bước tiến mới của ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ, định hướng của NHNN là xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT trên toàn hệ thống tài chính.
NHNN đã chủ động đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển ngân hàng số, cho phép triển khai khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với các DN Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox) và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Ở tầm quốc gia nên có một chiến lược chung về tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó phân rõ công việc của từng bộ, ngành để đảm bảo có sự liên kết trong các nghiệp vụ với nhau... Đặt biệt, nên sớm triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung. Ví như ngành ngân hàng cần cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về sinh trắc học, triển khai những giải pháp sát thực hơn với thực tế, cung cấp những dữ liệu của công dân.GS Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới |