Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng và nỗi lo rủi ro đạo đức

Nguyên Anh – Phong Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cùng với sự phát triển của ngành ngân hàng, các vụ việc khiếu kiện về giao dịch tiền gửi sẽ còn tiếp diễn. Nhưng nếu nhìn nhận thận trọng và chủ động đối phó, các ngân hàng vẫn có thể quản lý tốt được rủi ro từ giao dịch tiền gửi với khách hàng” - Luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính chia sẻ.

Bài cuối: Lấp “lỗ hổng” nhân sự
 Luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội
Thưa ông, gần đây, nhiều trường hợp tiền gửi ở ngân hàng “không cánh mà bay” khiến chủ tài khoản phát hoảng. Đặc biệt, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền. Việc này nguyên nhân vì sao và trách nhiệm các bên thế nào?
- Thứ nhất, từ phía nhân viên ngân hàng, họ đã quá linh hoạt, dễ dãi, sai quy trình, quy chế. Thứ hai, khách hàng thường có những lỗi nhất định, như cả nể, dễ dãi và đặt niềm tin quá vào nhân viên ngân hàng nên đã làm những việc dẫn đến rủi ro cho mình. Chẳng hạn như khách ký giấy tờ khống, ký giấy trắng hay là chấp nhận những giao dịch dễ dãi…

Để xác định ai là bị hại và trách nhiệm của ngân hàng đến đâu thì phải căn cứ vào chứng từ, giấy tờ đang lưu giữ tại ngân hàng, chứ không thể quy trách nhiệm cho riêng khách hàng hay ngân hàng được.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chuyện rút tiền ra khỏi ngân hàng là điều không dễ dàng vì phải có giấy đề nghị từ khách hàng và phải có ít nhất 2 chữ ký của cán bộ ngân hàng bao gồm giao dịch viên và kiểm soát. Nếu số tiền rút ra khỏi ngân hàng càng lớn thì cấp bậc kiểm soát càng cao.

Ở đây có vấn đề là trong các vụ án nhân viên lợi dụng lòng tin của khách hàng để lấy tiền của khách là có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà người bị hại ở đây là ngân hàng. Nếu có dấu hiệu cán bộ lừa dối khách hàng thì ngân hàng có thể trả luôn tiền cho khách sau đó sẽ kiện cán bộ thực hiện hành vi lừa đảo.

Hầu như trong các vụ giải quyết ngân hàng đều đưa ra tòa án và cho rằng chỉ chịu trách nhiệm nếu khi khách hàng thực hiện đúng quy trình?

- Tôi cho rằng, việc ngân hàng chờ phán quyết của tòa án là không sai, đó là quyền của họ. Nhưng xét về góc độ kinh tế, uy tín thì bằng điều tra của ngân hàng, nếu họ nhận thấy lỗi từ phía nhân viên ngân hàng thì nên bồi thường cho khách hàng để đảm bảo uy tín của mình. Với vụ việc tại Eximbank, cơ quan điều tra hiện đã có phát lệnh truy nã quốc tế đối với nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Nếu chờ bắt được kẻ bị truy nã, đưa ra điều tra xét xử mới đưa ra quyết định trả hay không trả tiền cho khách hàng thì không biết đến bao giờ. Trên thực tiễn, để đi đến thỏa thuận chốt thời hạn toán bồi thường cho người gửi tiền rất khó.

Khách hàng giao toàn bộ tài sản vào tay anh mà anh không tư vấn cặn kẽ để người ta biết tự bảo vệ ở những điều sơ đẳng, không làm cho người ta tin tưởng về cách xử lý của mình thì phải chịu đòn là đúng rồi. Mặt khác, nếu trong trường hợp khách hàng đang cầm sổ tiết kiệm thật đồng thời khách hàng đã gửi tiền thật và đã bị cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng danh nghĩa, thẩm quyền ngân hàng giao để thực hiện việc chiếm đoạt số tiền của khách hàng thì bất luận thế nào trách nhiệm cũng thuộc về ngân hàng.

Về mặt nguyên tắc thì cần phải dựa vào tùy tình huống cụ thể nhưng mấu chốt vẫn phải là giải quyết nhanh chóng, hợp tác cùng giải quyết. Việc ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống.
 Hoạt động kiểm ngân của nhân viên Vietcombank. Ảnh: Chiến Công
Sau nhiều vụ việc xảy ra, các ngân hàng đã gấp rút lấp lỗ hổng. Theo ông, ngân hàng cần làm gì để đảm bảo an toàn giao dịch và tạo niềm tin cho khách hàng?

- Bên cạnh việc đầu tư công nghệ thì con người là quan trọng. Con người hoàn toàn có thể giả chữ ký tay, do đó hãy thay đổi sang cách thức chữ ký giao địch diện tử, chữ ký số, mà không cần quan tâm khách hàng là ai.

Để giảm thiểu rủi ro cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý với người làm ngân hàng. Đầu tiên là về quy trình, quy định, cần phải có đầy đủ quy trình, quy định, chặt chẽ và rõ ràng. Tiếp theo là phân cấp ủy quyền, được giao dịch một mức tiền riêng, số tiền càng cao thì cấp bậc càng tăng. Về việc xác nhận giấy ủy quyền cũng phải làm cho chặt chẽ, cấp cao hơn sẽ xác định ủy quyền cho cấp thấp hơn, nếu không thì phải ra phòng công chứng.

Để hạn chế những lỗ hổng con người, các ngân hàng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các quy trình hoạt động và tăng cường kiểm soát, tra soát chéo ở các cấp. Ngoài ra, cần quan tâm đến tuyển dụng. Chẳng hạn với các cán bộ làm kho quỹ phải thật thà và phải có người nhà để đảm bảo. Rồi với các cán bộ thực hiện giao dịch trực tiếp với khách hàng cũng phải có kiểm tra chéo. Ví dụ, sau khi khách hàng thực hiện giao dịch xong, nhân viên ngân hàng sẽ gọi điện xem khách hàng có hài lòng khi giao dịch hay không, có gì nghi ngại hay không để kịp thời phát hiện các vấn đề và giải quyết sớm...

Đối với khách hàng, cần quan tâm hơn đến điều kiện cơ bản tiền gửi, tiền vay, chú ý hơn đến ủy quyền đặc biệt câu chuyện ký khống. Ủy quyền cho người mình tin tưởng và thân cận nhất, yêu cầu người đó và cá nhân đến cơ quan công chứng hoặc ngân hàng xác thực. Khách hàng cũng cần chịu khó ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn.

Vậy với vai trò quản lý của NHNN như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng, với Việt Nam 3 vấn đề cần quan tâm là nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khuôn khổ hành lang pháp lý.

NHNN Việt Nam đã có chỉ đạo, rà soát chấn chỉnh đến tiền gửi. Tuy nhiên, NHNN nên tạo pháp lý để các ngân hàng xây dựng. Trách nhiệm của NHNN phải có những biện pháp, kịp thời chấn chỉnh, xử lý, tránh tình trạng sẽ tái diễn nhiều, khiến khách hàng sẽ không tin cậy, không gửi tiền và không gửi tiền vào ngân hàng thì đó là điều rất đáng tiếc.

NHNN phải có trách nhiệm ban hành cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và đảm bảo tuân thủ, an toàn của hệ thống ngân hàng, đó là chức năng nhiệm vụ của NHNN. Nếu có thiếu sót, có vi phạm phải xử lý nghiêm. Thứ hai là khâu kiểm tra, thanh tra việc giám sát tuân thủ những điều kiện, yêu cầu về an toàn.

Việc xử phạt nghiêm minh và đề cao sự liêm chính, đạo đức nghề nghiệp cũng là một cách để răn đe và tạo ra độ sạch trong nội bộ ngân hàng. Thực tế cho thấy, đã có những vụ việc tiêu cực bị phát hiện trong nội bộ ngân hàng, hình thức xử lý không chỉ dừng ở đuổi việc và đền bù thiệt hại, mà ngân hàng còn mạnh tay xử lý khi đưa vụ việc ra cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm cá nhân. Cách làm nghiêm khắc này sẽ có tính răn đe rất lớn.

Xin cảm ơn ông!
NHNN cần tạo cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể áp dụng, xây dựng chiến lược ngân hàng số, đảm bảo an toàn tiện lợi. Ngoài ra, giáo dục tài chính cần được chú trọng, các nước trên thế giới đều đã và đang giáo dục tài chính cho chính người dân, DN...
TS Cấn Văn Lực
Việc các ngân hàng để mất tiền thời gian qua là một hồi chuông cảnh báo các thành phần liên quan trong hệ thống tài chính phải có các quy định chặt chẽ, thậm chí mang mệnh lệnh hành chính, để tránh các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. Vì nếu quá nhiều vụ mất tiền, niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Đó mới là tổn thất thực sự cho cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng gì ngân hàng bị thiệt hại. 

TS Nguyễn Trí Hiếu