Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Việt cần tăng vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Fitch cho rằng việc tiếp tục quá trình tăng vốn sẽ góp phần giúp các nhà băng Việt Nam tránh được những thiệt hại không đáng có khi tình hình kinh tế xấu đi, cũng như phục vụ cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai.

Đánh giá cao những nỗ lực cải thiện sức khỏe tài chính của các nhà băng Việt Nam thời gian qua nhưng hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng tiềm lực của những tổ chức này vẫn quá nhỏ bé so với các đối thủ trong khu vực.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, quá trình tăng vốn đã được các nhà băng Việt Nam thực hiện tương đối ráo riết và đạt được kết quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, so với các ngân hàng có cùng quy mô trong khu vực, vốn của các nhà băng Việt Nam vẫn bị đánh giá là quá “mỏng”.

Fitch cho rằng việc tiếp tục quá trình tăng vốn sẽ góp phần giúp các nhà băng Việt Nam tránh được những thiệt hại không đáng có khi tình hình kinh tế xấu đi, cũng như phục vụ cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai.

Hãng này cũng lưu ý rằng mặc dù tăng trưởng tín dụng năm nay đã chậm lại nhưng xu thế mở rộng cho vay vẫn là tất yếu tại một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam (tín dụng năm 2010 đã tương đương 120% GDP). “Với mức độ cho vay như vậy, hoạt động của các ngân hàng sẽ gặp nhiều rủi ro nếu nền kinh tế xuất hiện diễn biến xấu”, Mikho Irawady, đại diện của Fitch Singapore nhận định.

Trong quá trình tăng vốn, các chuyên gia cũng đánh giá cao động thái của các nhà băng Việt Nam khi tích cực chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài mà việc Vietcombank bán thành công 15% vốn điều lệ cho Mizuho là một trong những ví dụ điển hình.

Tuy vậy, theo hãng tin AFP, mối quan ngại lớn nhất của giới tài chính quốc tế khi đánh giá về các ngân hàng Việt Nam vẫn nằm ở tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn nhiều so với các báo cáo chính thức. Cùng với đó là việc củng cố hoạt động và mức độ an toàn tại các ngân hàng nhỏ cũng đang vấp phải nhiều khó khăn.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Fitch đã lần đầu tiên công bố đánh giá đối với khả năng trả nợ vốn vay ngoại tệ dài hạn (LTFC IDR) của 4 nhà băng Việt Nam. Theo đó, các Ngân hàng là Nông nghiệp (Agribank), Á Châu (ACB), Công Thương (Vietinbank) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đều nhận điểm B với triển vọng ổn định. Trước đó, xếp hạng tín nhiệm chung của ACB, Sacombank và Vietinbank đều được giữ ở mức D/E (tiệm cận rủi ro), trong khi Agribank nhận điểm E (có rủi ro).