Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng “vượt rào” chạy đua dư nợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào tháng 7/2015, trên thị trường bất động sản (BĐS) xôn xao việc hàng tỷ đồng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng bị trục lợi.

Thời điểm đó, khi dư luận dấy lên câu hỏi về “trách nhiệm” của ngân hàng - một trong những mắc xích quan trọng nhanh chóng phủ nhận. Theo các tổ chức tín dụng, việc xét duyệt và thẩm định gói vay 30.000 tỷ đồng tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi thời hạn giải ngân gói ưu đãi trên sắp hết, nhiều ngân hàng bắt tay chủ đầu tư “lách luật” để chạy đua dư nợ. Nhưng điều cần bàn là Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ở đâu trước sự việc này?
Ngân hàng “vượt rào” chạy đua dư nợ - Ảnh 1
Ảnh minh họa
Không vô can

Trong vai người đi mua nhà ở thương mại được hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại m
ột ngân hàng để được nhân viên Đ. tư vấn hồ sơ một dự án tại huyện Hoài Đức vừa xong móng. Nhân viên này cho biết: “Nếu đúng theo tiến độ thì dự án sẽ không được hưởng gói 30.000 tỷ đồng. Vì chị phải đóng đợt 1, tương đương 20%, khi đó bên chủ đầu tư mới ra hợp đồng mua bán. Đến đợt 2 khi dự án thi công xong tầng 5, phía ngân hàng em mới bắt đầu giải ngân thì đã hết thời hạn gói vay ưu đãi. Trường hợp chị đã ký hợp đồng, đến 1/6 có thể còn phải trả lãi theo lãi suất thương mại”.

Ngay sau khi phóng viên bày tỏ sự lo lắng vì hết cách sở hữu ngôi nhà trong mơ với lãi suất thấp, nhân viên này trấn an: “Chị yên tâm, ngân hàng và chủ đầu tư dự án đã “bắt tay” chiến lược đề ra chương trình hỗ trợ tối đa cho khách hàng.” Theo Đ. tổng giá trị căn hộ thực tế người mua phải trả là 1,116 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị trên hợp đồng mua bán khi đến tay Đ. thẩm định sẽ được “biến hóa” còn 1,023 tỷ đồng. Bước tiếp người mua phải đóng 3% tổng giá trị căn hộ đã bóc tách (khoảng 35 triệu đồng) cho chủ đầu tư dự án, rồi mở một tài khoản ngân hàng trị giá trên 160 triệu đồng, tương đương 17% mang tên người mua nhà tại ngân hàng. Lúc này ngân hàng sẽ xác nhận người mua đã hoàn thành 20% đóng tiền đợt 1 và cấp thông báo cho vay cũng như xác nhận số tiền đã đóng cho chủ đầu tư để ra hợp đồng mua bán. Ngay lập tức ngân hàng sẽ giải ngân cho người mua đến đợt 5 với 67% trước ngày 1/6 (tương đương hoàn thành thi công tầng 34 - PV).

Khi phóng viên bày tỏ nguyện vọng muốn con số giải ngân cao hơn để tận dụng lãi suất thấp từ gói tín dụng, Đ. cho hay: “Cái đó bên ngân hàng và chủ đầu tư sẽ linh hoạt xem xét”. Đ. còn nhấn mạnh: “Mọi người thường e ngại vì gói 30.000 tỷ đồng chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ hết hạn nên không đưa ra quyết định mua nhà. Nhưng sự thật thì ngược lại. Trước đấy thẩm quyền phê duyệt giải ngân của em chỉ được tối đa 500 triệu đồng. Còn bây giờ là 700-800 triệu đồng lại do chính em “thẩm định”. Lợi cả đôi đường”.

Rủi ro khách hàng “gánh”

Việc bắt tay “ngầm” giữa một số ngân hàng và chủ đầu tư dự án để "lách luật" trong thực hiện ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng khi lén lút, lúc công khai như một sự thách thức đối với các cơ quan chức năng. Khâu thẩm định của ngân hàng rõ ràng chỉ chú trọng đến khả năng tài chính của người mua nhà hơn là dòng tiền từ gói 30.000 tỷ đồng có chảy đúng chỗ không. Tình trạng này không chỉ là giả thuyết như các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Thực tế, nó đã và đang diễn ra trên quy mô lớn tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, nếu ngân hàng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sau ngày 1/6 thì rất có thể phải giải ngân theo lãi suất thương mại hiện tại của thị trường. Lúc này chắc chắn nhiều khách hàng không chấp nhận giải ngân. Trong khi đó ngân hàng đang rất cần dư nợ nên sẽ cố gắng giải ngân càng nhiều càng tốt trước hạn định. Để tránh rủi ro cho mình nếu có thanh tra, chủ đầu tư và ngân hàng tư vấn cho khách hàng làm đơn đề xuất để có lịch đi tiền một lần trước ngày 1/6 nhằm hợp thức hóa và được chiết khấu giá.

Nếu như vậy, ngân hàng “khỏe tay” vì hoàn thành chỉ tiêu, còn DN BĐS được nhận tiền giải ngân sớm. Tiến độ mới xây xong tới B mà đã có tiền C, D, E rồi. Có ai dám đảm bảo chủ đầu tư không dùng số tiền giải ngân này để đầu tư sang hạng mục khác? Cái thiệt là người mua nhà phải chịu gánh nặng trả lãi cho khoản giải ngân một lần (67%) thay vì trả lãi ít hơn nếu giải ngân theo tiến độ. Thực tế, dự án tại huyện Hoài Đức trên chỉ đang bắt đầu lên tầng 1 mà ngân hàng giải ngân một lần lên đến tầng 34 thì đặt ra câu hỏi: “Trường hợp DN bị trục trặc, ai gánh?”. Lúc này khách hàng vừa là con nợ, vừa không biết khi nào nhận được nhà.

Luật sư Bùi Sinh Quyền - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: “Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định đến thời hạn 1/6, sẽ chỉ căn cứ vào số giải ngân chứ không căn cứ vào số đăng ký. Tức là khi gói vay hết hạn, vẫn tiến hành giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký từ trước tháng 6/2016, nhưng theo lãi suất hiện tại của thị trường. Trong thời điểm rối ren, những người đã ký hợp đồng vay từ gói 30.000 tỷ đồng trước gần một năm còn “đang ngồi trên đống lửa” thì những lời cam kết “giải ngân một lần 67%” là vô cùng rủi ro”.
Chuyên gia nhận định

Cuộc đua nguy hiểm

Ngân hàng “vượt rào” chạy đua dư nợ - Ảnh 2Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, để hạn chế việc các chủ đầu tư dự án BĐS bán nhà hình thành trong tương lai thu tiền của khách hàng vô tội vạ thì Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã có những quy định chặt chẽ đối với việc thanh toán tiền của khách hàng. Khi ký kết hợp đồng và thực hiện thanh toán chủ đầu tư phải căn cứ vào tiến độ thanh toán (%) được luật cho phép tối đa để thu tiền khách hàng chứ không còn tình trạng mới xây được móng hoặc vài tầng (trong khi dự án cao mấy chục tầng) đã thu gần hết số tiền của giá trị căn hộ. Hành vi đó được xem là chiếm dụng vốn trái phép và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Lợi dụng nhu cầu của khách hàng muốn tận dụng tối đa gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước hạn định, rất có thể ngân hàng và chủ đầu tư tư vấn cho khách hàng nhận giải ngân một lần trước ngày 1/6 để hưởng lãi suất ưu đãi. Trong giai đoạn nhiễu thông tin, khách hàng xem việc giải ngân một lần với 67 - 80% là cơ hội để mua nhà nhưng không lường trước được rủi ro khi đặt bút ký hợp đồng. Mua nhà là cả một quá trình tìm hiểu, không phải một cuộc đua, mà lại còn là “cuộc đua” nguy hiểm.
Gia Tuấn ghi