Ngân hàng “xả” ô tô dịp Tết, giá rẻ hơn xe máy

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáp Tết là lúc nhiều ngân hàng thanh lý xe nợ xấu, xe không còn khả năng trả nợ để siết nợ hoặc thu hồi vốn cuối năm. Nhiều xe ô tô đang được các ngân hàng thanh lý với giá siêu rẻ, chỉ từ 100 triệu đồng.

Đủ loại xe được rao bán

VietinBank mới đây rao bán chiếc ô tô Mercedes Benz E200 sản xuất năm 2015 với giá bán tối thiểu 790 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng bán 1 chiếc Audi Q5 sản xuât năm 2015, với giá từ 920 triệu đồng trở lên. Đây là tài sản của Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Mặt trời đỏ. Giá bán khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế (nếu có), chi phí liên quan đến quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại TPBank, ngân hàng mới đây thông báo tiến hành xử lý tài sản bảo đảm là ô tô thế chấp của loạt khoản nợ khách hàng cá nhân. Ngân hàng này đang rao bán hàng loạt chiếc xe, chủ yếu là nhãn hiệu Toyota, Huyndai, Ford… Ngoài ra, ngân hàng rao bán một số chiếc Mercedes, chẳng hạn Mercedes E300 giá 1,56 tỷ đồng, Mercedes C250 giá 480 triệu đồng…

Techcombank cũng đang rao bán nhiều chiếc Vinfast để thu hồi nợ. Chẳng hạn, ngân hàng đang rao bán nhiều chiếc Vinfast Fadil, có chiếc giá 292,5 - 297 triệu đồng, cũng có chiếc lên đến 323 triệu đồng. Vinfast Lux A2.0 cũ được rao bán với giá 790 triệu đồng.

Trong những ngân hàng rao bán thanh lý ô tô, ngân hàng VIB là nhà băng có lượng xe ô tô đang rao bán nhiều nhất, với hơn 100 xe thuộc đủ các hãng và phiên bản. Trong danh sách ô tô rao bán của ngân hàng này có nhiều xe ô tô con còn mới, được sản xuất từ năm 2019 đến năm 2021.

Theo thông tin được VIB cập nhật, ngoài những chiếc xe mới được đưa vào diện thanh lý nhằm thu hồi nợ, nhiều chiếc xe cũ đã được nhà băng này giảm giá mạnh. Trong đó, chiếc Mercedes-Benz GLK 300 sản xuất năm 2012 được rao bán chỉ với giá 570 triệu đồng; chiếc BMW 218i cũ sản xuất năm 2016 giá khởi điểm chỉ còn 630 triệu đồng, giảm mạnh 100 triệu so với thời điểm 2 tháng trước. Trong khi đó chiếc Volkswagen 2017 cũng đang được nhà băng này rao bán với giá 706 triệu đồng. Chiếc Mitsubishi Xpander 2020 cũng được rao bán với giá chỉ 435 triệu đồng.

VIB cũng có nhiều ô tô thanh lý với giá chỉ hơn 100 đến hơn 200 triệu đồng. Có thể kể đến như Chevrolet Spark 2018 có giá 192 triệu đồng, Kia Morning 2016 có giá 210 triệu đồng, Hyundai Grand I10 2015 có giá 223 triệu đồng, Chevrolet Aveo 2017 với giá 230 triệu đồng, Chevrolet Aveo 2015 có giá 242 triệu đồng…

Ngoài ra còn hàng loạt ngân hàng khác như: BIDV, Sacombank, VP Bank… cũng đang rao bán các loại xe ô tô từ bình dân vài chục triệu đồng cho đến hạng sang tiền tỷ.

Sợ rủi ro, khách hàng không mặn mà

Theo những người trong ngành kinh doanh xe cũ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều khách hàng mua xe trả góp để chạy dịch vụ gặp khó khăn về tài chính và mất khả năng trả nợ ngân hàng. Nhiều khách hàng vay mua xe chạy dịch vụ chấp nhận để ngân hàng thu hồi xe xử lý nợ. Do đó, số lượng xe ô tô do các ngân hàng thu hồi, thanh lý cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy vậy, khách hàng cũng không mặn mà. Mặc dù ngân hàng liên tục giảm giá nhưng nhiều người vẫn e ngại mua xe thanh lý của ngân hàng.

Nguyên nhân bởi những lý do như: Thời gian xử lý hồ sơ lâu hơn, chất lượng xe không đảm bảo, rắc rối về pháp lý là những vấn đề có thể khiến người mua "tiền mất tật mang".

Xe thanh lý mà các ngân hàng rao bán hiện nay chủ yếu là xe do các cá nhân mua dưới hình thức trả góp nhưng không còn khả năng trả nợ, nên bị ngân hàng thu hồi và bán lại. Trong khoảng 45 - 180 ngày kể từ khi khách không thể trả nợ tùy trường hợp, ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi xe. Không chỉ bán trực tiếp cho khách cá nhân mà ngân hàng có thể bán cho các công ty chuyên thu hồi nợ hoặc các đơn vị kinh doanh ô tô cũ.

Đa số ngân hàng không cam kết về chất lượng xe bán thanh lý, bởi đó không phải chuyên môn của họ. Ngoài ra, các bãi xe thanh lý của ngân hàng thường cũ, xa và không có mái che, ảnh hưởng tới chất lượng, khiến nhiều xe xuống cấp, hư hỏng, vàng ố, nổi mốc bên trong xe... Chưa kể, nhiều chủ xe không chỉ dùng ô tô của mình thế chấp ở ngân hàng mà còn nhiều nơi khác để vay nợ. Vì vậy, nếu người mua xe không tìm hiểu kỹ, có thể sau khi đã sở hữu xe lại phải đối mặt với các vấn đề tranh chấp từ các chủ nợ khác. Ngoài ra, còn có một dạng tranh chấp khác, đó là chính chủ xe và ngân hàng không đạt được thỏa thuận giãn nợ. Khi đó, xe đã bị thu hồi, nhưng chủ xe lại không đồng ý thanh lý tài sản, không ký giấy bán.