Thói quen nguy hiểmHàng ngày, tại nút giao Nguyễn Chí Thanh – Trúc Khê, vẫn luôn xuất hiện hàng loạt phương tiện từ xe máy, xe ba bánh, đến ô tô đi ngược chiều từ cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh hướng vào phố Trúc Khê. Tình trạng này cũng đang diễn ra trên phố Láng Hạ đoạn giao cắt với phố Thành Công; cầu vượt Hoàng Minh Giám – Nguyễn Chánh (đoạn qua trường THPT Hà Nội Amsterdam), nút Cầu Cót – Láng, hay dọc đường Nguyễn Trãi… gây cản trở, mất ATGT. Trên thực tế đã có những vụ tai nạn xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân này. Gần đây, tối 21/5/2017, trên cầu vượt Láng Hạ xảy ra vụ TNGT liên hoàn khi chiếc xe ô tô Ford Escape di chuyển theo hướng từ rạp chiếu phim quốc gia về đường Lê Văn Lương đã va chạm với xe Toyota Fortuner đi theo chiều ngược lại. Chiếc xe Ford Escape còn đâm vào xe taxi Kia Morning và 1 chiếc xe máy... Rất may vụ tai nạn không có người tử vong.
|
Vi phạm ATGT đi ngược chiều từ cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh hướng vào phố Trúc Khê. Ảnh: Thanh Hải |
Để hạn chế tình trạng này, các lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức ra quân, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, phần lớn các biện pháp mà các lực lượng chức năng đã thực hiện chỉ là biện pháp đối phó với dư luận. Nói như vậy là bởi, thời gian của các cuộc kiểm tra, xử lý thường diễn ra rất chóng vánh và không có những biện pháp ngăn chặn dài hơi kèm theo. Và trong bối cảnh hạ tầng giao thông luôn "chạy theo" tốc độ phát triển phương tiện, cộng với việc ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao thì thói quen “đi tắt đón đầu”, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ còn diễn ra là điều khó tránh khỏi.
Cần biện pháp đồng bộTheo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, để thay đổi thói quen xấu của người tham gia giao thông, không thể chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền thay đổi thói quen, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, kịp thời có những sự điều chỉnh, tổ chức giao thông cho phù hợp, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân. Cụ thể, nếu như trước đây, trên đường Nguyễn Khuyến, đoạn giáp với đường Lê Duẩn thường xuyên xuất hiện tình trạng các phương tiện nối đuôi nhau đi ngược chiều, phớt lờ biển cấm thì nay mọi việc đã khác. “Việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chốt trực, đặc biệt là bố trí một làn đường dành cho các phương tiện từ Nguyễn Khuyến rẽ phải đi Lê Duẩn cho phù hợp với tình hình thực tế đã xử lý triệt để được vấn nạn này” – một chuyên gia giao thông nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, qua phân tích các vụ TNGT đường bộ cho thấy, có tới 76,1% số vụ là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không bảo đảm an toàn, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong việc bảo đảm trật tự ATGT nếu có hành vi buông lỏng quản lý, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Bởi, trong hoàn cảnh ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thì việc xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm là việc làm hết sức cần thiết.
Để giảm thiểu TNGT, các đơn vị cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. Tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các “điểm đen” mất an toàn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy… Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình |