Sau nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền TP và người dân, đến nay, Hà Nội đã khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi tại 445 xã, phường. Hiện, toàn TP chỉ còn 4 xã: Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chu Phan (huyện Mê Linh), Tân Lập (huyện Đan Phượng) và Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) có dịch bệnh chưa qua 30 ngày. Dù vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, nguy cơ bùng phát dịch bệnh này vẫn rất cao. Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội vẫn ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi của 7 xã thuộc 6 huyện, với gần 100 con lợn bị tiêu hủy.
Một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội có nguy cơ cao bùng phát dịch tả lợn châu Phi là bởi việc vận chuyển, lưu thông lợn đang rất lớn, trong khi công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, do quy định không thực hiện việc kiểm dịch nội tỉnh. Bên cạnh đó, cung - cầu và giá lợn vẫn ở mức cao, nhiều hộ chăn nuôi tái đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương.
Cùng với đó, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Tình trạng nhiều hộ chăn nuôi tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa cho đàn lợn vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, điều kiện thời tiết mưa phùn ẩm ướt, diễn biến phức tạp khiến mầm bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh, phát triển.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc tái đàn bảo đảm đúng quy định của Bộ NN&PTNT.
Ông Đăng cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã cần kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch, đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và không hỗ trợ. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch tả lợn trên địa bàn.