Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn vết dầu loang kinh doanh đa cấp

Hà Thanh - Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/7, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã đăng tải kết quả kiểm tra với một số DN kinh doanh đa cấp.

Nhiều lỗi vi phạm được chỉ ra và trong quá trình xử lý, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cũng để ngỏ thông tin “Không loại trừ khả năng cơ quan quản lý sẽ thực hiện rút giấy phép của các công ty đa cấp có nhiều điều tiếng bị thanh tra trong đợt vừa qua”.

Kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 DN kinh doanh theo mô hình đa cấp. Trong đợt công bố này, Bộ Công Thương đưa ra kết quả kiểm tra đối với 4 DN thực hiện trong 3 tháng qua. Những DN này gồm: Công ty CP Liên kết tri thức (K-Link), Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Công ty Vinalink). Kết quả kiểm tra cho thấy, đụng đến DN nào cũng thấy sai phạm. Lỗi chung mà các công ty này gặp phải có thể kể đến như: Ký hợp đồng bán hàng đa cấp với nhà phân phối nhưng không điền đầy đủ các thông tin theo quy định, không kê khai đầy đủ thông tin về số lượng hàng bán và số tiền mua hàng thu từ từng nhà phân phối, không gửi báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đến các sở công thương địa phương nơi mình hoạt động...
Một buổi tổ chức trao giải của Công ty CP Liên kết tri thức (K-Link).
Một buổi tổ chức trao giải của Công ty CP Liên kết tri thức (K-Link).
Đối với việc quản lý các nhà phân phối, vi phạm phổ biến là: Nhà phân phối có địa chỉ ghi trên CMND tại địa phương này nhưng hoạt động kinh doanh lại tại địa phương khác; ký nhiều hợp đồng với cùng một nhà phân phối; cho phép một nhà phân phối có nhiều mã số, được nhận những lợi ích không được quy định trong chương trình trả thưởng cũng như nội dung khuyến mại đã đăng ký... Địa điểm tổ chức đào tạo không khớp với địa điểm thông báo, thậm chí có DN không tổ chức cho người tham gia… Đặc biệt, có nhiều sản phẩm được phân phối khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có nhiều điểm sai lệch về thành phần, công dụng so với Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, thậm chí vi phạm về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường… Ngoài ra, việc triển khai website dưới hình thức thương mại điện tử nhưng chưa có phép, quảng cáo sản phẩm sai sự thật... cũng là những vi phạm khá phổ biến.

Ngoài công bố kết luận kiểm tra tại 4 DN trên, trong đợt này, Bộ Công Thương cũng đã thông tin về một số DN đa cấp khác như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway Việt Nam và Unicity Marketing Việt Nam. Trong đó, việc kiểm tra DN Thiên Ngọc Minh Uy đang ở giai đoạn cuối, hiện còn tập trung làm rõ một số khiếu nại trong thời gian gần đây. Đối với Amway Việt Nam, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra từ 18/7 tới. Riêng trường hợp của Unicity Marketing Việt Nam, ngày 27/5/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành kiểm tra và ban hành Quyết định xử phạt 110 triệu đồng do vi phạm về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Kể từ đó, Cục chưa nhận được thêm khiếu nại nào của người tham gia.

Không loại trừ khả năng rút giấy phép

Trao đổi về các biện pháp để thanh lọc các DN kinh doanh đa cấp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong khi chờ sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động này, Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm; yêu cầu các sở công thương thực hiện đúng chỉ thị. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, không ngừng đưa ra cảnh báo về biểu hiện của các công ty đa cấp biến tướng, nhằm ngăn ngừa người dân bị thiệt hại. Hiệp hội Bán hàng đa cấp mới đây cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ, ngành khác có liên quan nhanh chóng xác minh, thanh kiểm tra, điều tra để kịp thời chặn đứng, chấn chỉnh, xử phạt và xóa bỏ các DN đa cấp bất chính. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận lợi cho các DN chân chính đang được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Tới đây, những kết quả kiểm tra cũng sẽ được tiếp tục công khai, những DN kinh doanh đa cấp liên tục vi phạm bên cạnh việc xử phạt theo quy định cũng sẽ phải đối diện với việc rút giấy phép kinh doanh.
Cùng với việc tăng cường hoạt động kiểm tra, tới đây, việc xử lý rất cần quan tâm đến việc xử đúng người, đúng tội, mức độ vi phạm của từng cá nhân tham gia. Việc này giúp nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia là nhà phân phối. Tránh tình trạng như hiện nay, không ít người vi phạm nhưng vẫn có thể tham gia vào những tổ chức, DN kinh doanh đa cấp khác, thậm chí mở DN để kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần tính đến quy định yêu cầu các DN kinh doanh mô hình này phải đặt một khoản bảo lãnh với tỷ lệ nhất định (theo doanh thu mở rộng kinh doanh của DN). Đây cũng là giải pháp ràng buộc trách nhiệm của DN khi tham gia phân phối sản phẩm dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải

Theo tôi, đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp cần có quy định chặt chẽ hơn khi cấp phép, tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát khi các DN đi vào hoạt động. Khi phát hiện vi phạm thì ngoài việc xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả lớn cho xã hội có thể xử lý hình sự. Đó cũng chính là tạo sức răn đe đối với các trường hợp khác.
Phó Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh số 1 (Sở KH&ĐT Hà Nội) Nguyễn Hải Hùng