Đơn hàng giảm 30%
Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, mặc dù sản xuất sụt giảm, lượng tiêu thụ thấp, hàng tồn kho khá cao trong 9 tháng năm 2012, nhưng từ tháng 10 đến nay, nhờ điều chỉnh sản xuất và nỗ lực tìm kiếm thị trường XK, lượng tồn kho da giày đã được giải quyết. Đến đầu tháng 12/2012, tồn kho toàn ngành giảm đáng kể, kim ngạch XK tháng 11 đạt 708,18 triệu USD, tăng 18,6% so với tháng 11/2011, nâng tổng lượng hàng XK 11 tháng lên 6,53 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam nhưng so với năm 2011, lượng đơn hàng của doanh nghiệp (DN) da giày đã sụt giảm 25 - 30% trong năm 2012. Theo phản ánh của đại diện nhiều DN XK da giày, túi xách, việc thiếu hụt đơn hàng XK ngoài nguyên nhân sức mua tại các thị trường nhập khẩu (NK) giảm sút còn bởi các chính sách bảo hộ, chống bán phá giá từ những thị trường NK lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, sự lệ thuộc vào máy móc NK, việc tăng lương tối thiểu và các chi phí đầu vào khác khiến giá thành tăng cao đang trở thành những rào cản làm giảm sức cạnh tranh thu hút đơn hàng. Khó khăn về đơn hàng khiến không ít DN, nhất là những DN nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất.
Sản phẩm của Công ty Giày Thượng Đình đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Linh Anh
Mạnh dạn mở rộng đầu tư
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, năm 2012 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch XK da giày, túi xách vẫn đạt 8,5 tỷ USD. Trong đó, XK da giày là 7,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011; XK túi xách trở thành điểm sáng mới với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Dự báo, năm 2013, XK nhóm mặt hàng da giày, túi xác này sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012.
Đại diện Công ty Giày Thượng Đình chia sẻ, năm 2012 để đẩy mạnh xuất khẩu đơn vị đã khai thác thêm một số thị trường mới tại châu Á, Bắc Mỹ… nên cả năm doanh thu DN tăng 11%, lợi nhuận tăng 6%. "Năm 2013, sẽ có nhiều thách thức mới không chỉ ở các thị trường XK mà còn do hàng loạt chi phí đầu vào như thuế đất, tiền lương, bảo hiểm, giá điện… sẽ đồng loạt tăng cao. Bởi vậy, chúng tôi xác định cần phải tiếp tục khai thác tối đa thị trường nội địa và các thị trường XK khác còn nhiều tiềm năng", vị đại diện công ty này nhấn mạnh.
Trước những chuyển biến không mấy khả quan từ các thị trường lớn, cùng với chi phí đầu vào tăng, giải pháp chủ yếu hiện nay được các DN da giày lựa chọn là điều chỉnh sản xuất và cơ cấu thị trường, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, thậm chí chấp nhận hòa vốn với những đơn hàng nhỏ lẻ để giữ chân khách hàng, ổn định nguồn đơn hàng. Bên cạnh chuyển hướng XK sang một số thị trường châu Á, châu Mỹ…, có những DN đã mạnh dạn mở rộng đầu tư tại một số nước lân cận để tranh thủ nguồn chi phí rẻ.
Năm 2012, dù nhiều thị trường lớn của XK da giày suy giảm sức mua nhưng không ít thị trường khác lại đạt kim ngạch trên 20 triệu USD, cho thấy giày dép Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được thị phần tại nhiều thị trường trên thế giới. Trong đó, một số thị trường có kim ngạch tăng cao hơn năm ngoái như Slovakia tăng 205,34%, Đan Mạch tăng 129,77%, Ba Lan tăng 121,35%... Đây là những mảnh đất rất tiềm năng mà DN nên tìm hiểu và mở rộng XK thay vì những thị trường truyền thống thời gian qua.Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso. |